Bia số 70: Năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH DẦN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 7 (1746)

Sao Khuê mở vận thái, sao Đẩu hiện nhân tài, cầu hiền kén sĩ, khoa cử thịnh hành.

Hoàng thượng bệ hạ kế tục thể chế, giữ pháp độ lập thành, trọng đãi người hiền, chấn hưng trị đạo. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] tạo dựng mọi việc, lựa dùng nhân tài. Mùa xuân năm Bính Dần thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đặc sai Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Tả hòa quân doanh Đô đốc phủ Đô đốc đồng Tri Thự phủ sự phó tướng Thụy Quận công Trịnh Tân làm Đề điệu, hành Tham tụng Lại bộ Tả Thị lang Nhuyễn Đình hầu Trịnh Ngô Dụng làm Tri Cống cử, Thiêm sai Công bộ Hữu Thị lang hành Phó Đô Ngự sử kiêm Đông các Học sĩ tả chính ngôn Thư Trạch hầu Vũ Công Trấn, Thiêm sai Công bộ Hữu Thị lang Ôn Trạch bá Vũ Khâm Lân làm Giám thí, cùng các quan bách ty trong ngoài chia giữ các việc.

Buổi ấy sĩ tử tới đua tài không dưới 2.000 người, số trúng tuyển là bọn Trần Danh Tố 4 người. Ngày 21 tháng 5 vào Điện thí. Hôm sau quan Độc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng định thứ bậc cao thấp, cho Đoàn Thụ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Danh Tố 3 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền gọi tên, Bộ Lễ treo bảng vàng ngoài cửa nhà Thái học. Việc ban áo mũ yến tiệc đều y theo lệ cũ.

Mùa thu năm Đinh Mão, quan Bộ Công xin dựng bia đá đề danh. Vua y theo lời tâu, bèn sai thần soạn văn bia. Thần kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Tính danh thêu lên cờ lệnh, khắc vào đỉnh vạc, các bậc tiên vương nêu cao công lao của các cựu thần. Nhưng tạc đá khắc bia, quy chế bản triều tôn Nho thì đời xưa chưa có, mà khoa thi Tiến sĩ thì từ trước đã có tiếng là chọn được nhiều hiền tài. Người thì giúp mưu lược từ thủa đầu sáng nghiệp, người có hoài bão lớn trong buổi thái bình, công kinh lược giúp đời đã thấy rờ rỡ. Cho nên từ xưa đến nay đời nào cũng coi trọng khoa mục. Khi chưa thi thì muốn cất nhắc đồng đều, cúng lễ ở các đền miếu để tỏ lòng chí thành. Khi đã đỗ thì ưu ái trọng hậu, lại khắc tên vào đá cứng để lưu truyền mãi mãi. Kẻ sĩ ở chốn nhà tranh vách đất, một khi được ghi tên ở bảng Long hổ, thân được dự vào hạng khoa danh thì phải làm thế nào để không hổ thẹn với tấm đá này. Bài ký trước có câu: “Thuần chính cứng sáng thì bia đá vẻ vang, a dua dựa dẫm thì bia đá hổ thẹn”, há chẳng đáng thận trọng lấy làm răn hay sao!

Thần đem điều ấy ghi vào bia này, chẳng những để rạng đời tỏ tới đời sau mà còn gửi ý khuyên răn đối với hàng sĩ phu nữa.

Thần kính cẩn dâng bài ký.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tả Tư giảng Thiêm sai Tri Thị nội Thư tả Lại phiên Hàn lâm viện Thừa chỉ Đạo Phái bá Dương Công Chú1 vâng sắc soạn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Suy trung Dực vận công thần Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 16 tháng 9 niên hiệu Cảnh Hưng 8 (1747) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

ĐOÀN THỤ 段 澍 2 người xã Phù Lỗ huyện Kim Hoa, Giám sinh.

Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

TRẦN DANH TỐ 陳名做 3 người xã Ngọc Điền huyện Thạch Hà, Giám sinh.

ĐÀO VŨ THƯỜNG 陶武常 4 người xã Yên Lũ huyện Thanh Lan, Huấn đạo.

NGUYỄN NHƯ THỨC 阮 如 式 5 người xã Phú Yên huyện Thư Trì, Giám sinh.

Đô lại Bộ Lại người xã Liêu Hạ huyện Đường Hào là Nguyễn Thái Huy vâng viết chữ (chân).

Bá hộ Lê Khắc Thực cùng toàn đội vâng khắc chữ.

Chú thích:

1. Dương Công Chú: Xem chú thích 14, Bài số 65.

2. Đoàn Thụ (1715-?) người xã Phù Lỗ huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Phù Lỗ huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang, tước Diên Trạch hầu. Có tài liệu ghi là Đoàn Chú.

3. Trần Danh Tố (1713-?) người xã Ngọc Điền huyện Thạch Hà (nay thuộc thị trấn Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Cấp sự trung.

4. Đào Vũ Thường (1705-?) người xã Yên Lũ huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Đông Quan huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hiến sát sứ.

5. Nguyễn Như Thức (1719-?) người xã Phú Yên huyện Thư Trì (nay thuộc xã Hoà Bình huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

Bia số 69: Năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ HỢI NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 4 (1743)

Nền thánh học lấy việc thân hiền làm gấp tất phải mở ra con đường bằng phẳng của khoa mục, bậc vương giả chuộng điều thiện vô cùng tất phải cử hành điển lễ biểu dương. Qui chế dựng bia Tiến sĩ có lẽ là vì lý do đó chăng?

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ thiên tư vượt trên thế tục, đang giữa vận hội lớn, tác thành nhân tài, chỉnh đốn thế sự. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương]1 cùng chung một đức, sửa sang bốn phương, chăm lo cất nhắc trọng dụng nhân tài, trù nghĩ kế sách giữ yên thiên hạ.

Năm Quý Hợi mùa đông tháng 10 thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đặc sai Suy trung Dực vận công thần Tả hòa quân doanh Đô đốc phủ Tả Đô đốc Phó Đô tướng Đại tư đồ Thư Trung công Trịnh Trụ làm Đề điệu, Tham tụng Hộ bộ Thượng thư Nhập thị Kinh diên Tri Quốc tử giám Thái tử Thái bảo trí sĩ phục dụng phụng thị ngũ lão Triệu Quận công Nguyễn Huy Nhuận làm Tri Cống cử, Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Dao Lĩnh bá Phạm Đình Trọng, Sơn Tây đẳng xứ Tán trị Thừa Chính sứ ty Thừa Chính sứ Lê Hoàn Viện làm Giám thí, cùng các quan hữu ty chia giữ các việc.

Bấy giờ, kẻ sĩ tới kinh dự thi không dưới hơn 2.000 người. Qua trường bốn, chọn hạng xuất sắc được bọn Nguyễn Hoản 7 người.

Tháng 12 vào Điện thí, Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách, hỏi những việc lớn trong phép kinh luân thiên hạ.

Ngày hôm sau, quan Độc quyển dâng quyển, Hoàng thượng đích thân ngự lãm, định thứ tự cao thấp. Ban cho Phan Kính đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh, Trần Văn Trứ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Hoàng Vĩ 5 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền người đỗ, bảng vàng nêu tên, ban cho áo mũ triều phục, yến Quỳnh hoa bạc, ơn huệ dồi dào. Lại sai quan bộ Công dựng đá đề danh tại trường Quốc tử giám, sai thần soạn bài ký.

Thần trộm nghĩ triều đình chọn người chẳng phải một cách, nhưng chỉ khoa Tiến sĩ thì từ xưa vẫn có tiếng là được người. Thánh hoàng tiên triều dùng các bậc hiền tài đó để giao đảm đương công việc ở buổi mới thuận trời mở vận. Liệt thánh bản triều cũng dùng họ để tô điểm kế thừa thể chế. Công tích kinh luân lớn lao còn lưu ở đỉnh vạc, kế lớn mưu hay còn rực rỡ sáng ngời. Người đời gọi là bảng Long hổ, coi là khoa tướng võ tướng văn, thật chẳng ngoa vậy.

Duy những bậc tài năng lớn thường xuất thân từ con đường đó để làm khí dụng cho quốc gia, cho nên trải các đời thánh đế minh quân, không đời nào không lo coi trọng khoa cử. Nhưng tìm một triều đại có thịnh tâm nêu cao việc thiện, gây dựng tiếng tăm bằng thịnh điển sùng Nho, lưu tiếng thơm cho những người tài tuấn đến vô cùng thì khuôn phép đã đặt từ thời văn trị hưng thịnh đầu đời Hồng Đức, mà tô điểm thêm vận hội nhân tài như cá vượt sóng thì là đời thánh thượng hiện nay. Đó là hiệu quả của việc quốc gia thu dùng nhân tài đã đạt đến mức tốt đẹp không gì sánh được, vượt trăm vua, hơn cả ngàn xưa vậy.

Nghĩ rằng đông đảo kẻ sĩ sinh ra trong vương quốc này lẽ nào chẳng cảm ơn sâu nặng, lo nghĩ cách báo đền cho xứng đáng sao! Hơn nữa khoa này là khoa đầu tiên thánh thượng ngự giám. Hội tao phùng, duyên cảm ứng, há phải chuyện tình cờ. Cho nên càng phải lau chùi sạch quang bụi bặm, trau dồi tiết hạnh, lấy đạo đức giúp bậc nhân chúa, đem thi thư làm lợi cho dân, làm ngọc phác vàng ròng, khiến ai biết đến tên đều tin là vật báu của vương quốc. Làm kỳ lân có đức nhân, làm phượng hoàng có màu sắc khiến người nghe tiếng đều mừng là điềm lành của đời thịnh. Công danh tên tuổi chẳng những thấy trên bia này mà còn lâu dài trong tre lụa, sáng rực trong sử sách mới không thẹn với khoa danh, không phụ triều đình sùng trọng hết mức vậy. Không được thế thì tức là ngọc đá khác nhau, vết nhơ khó giấu, dưới tấm bia cao là chỗ muôn mắt nhìn vào, nhiều tay chỉ trỏ, há chẳng đáng sợ hay sao?

Thế thì tấm bia vừa là để bồi đắp nền móng Nho phong, vừa là để trau dồi khởi phát khí tiết kẻ sĩ, quan hệ đến thanh danh giáo hoá há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Trung hiến đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Bạch Phấn Ưng2 vâng sắc soạn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Suy trung Dực vận công thần Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 12 tháng 10 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh:

PHAN KÍNH 潘 敬3 người xã Lai Thạch huyện La Sơn, Giám sinh.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân:

TRẦN VĂN TRỨ 陳 文 著4 người xã Từ Ô huyện Thanh Miện, Nho sinh trúng thức.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:

LÊ HOÀNG VĨ 黎 黃 瑋5 người xã Đan Sĩ huyện Thanh Oai, Giám sinh.

NGUYỄN HOẢN 阮 完6 người xã Lan Khê huyện Nông Cống, Tri phủ.

PHẠM SĨ THUYÊN 范 仕 銓7 người xã Trung Lập huyện Đường Hào, Tri huyện.

LÊ DOÃN GIẢN 黎 允 僩8 người xã Đại Mão huyện Siêu Loại, Nho sinh.

LÊ DOÃN GIAI 黎 允 佳9 người xã Ỷ Bích huyện Thuần Lộc, Giám sinh.

Tiến công Thứ lang Lễ bộ Tư vụ sảnh Tư vụ Lê Hữu Tán vâng viết chữ.

Sinh đồ người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn là Lê Nguyễn Diệu vâng khắc chữ.

Chú thích:

1. Tước phong của Trịnh Doanh năm 1742.

2. Bạch Phấn Ưng: Xem chú thích 17, Bia số 65.

3. Phan Kính (1715-1761) người xã Lai Thạch huyện La Sơn (nay thuộc xã Song Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Mậu lâm Tá lang, Hàn lâm viện Đãi chế, Tuyên úy Phó sứ đi kinh lý Nghệ An, Đông các Đại học sĩ, Đốc đồng Thanh Hoa, Đốc đồng xứ Tuyên Quang, Kinh lược sứ, Tham mưu Nhung vụ đạo Hưng Hóa. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Hình, tước Quỳ Dương bá. Có tài liệu ghi ông tự là Dĩ Trực.

4. Trần Văn Trứ (1716-?) người xã Từ Ô huyện Thanh Miện (nay thuộc xã Tân Trào huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông là con của Trần Văn Hoán, và giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Đãi chế, Thự thiêm Đô Ngự sử kiêm Quốc tử giám Trực giảng.

5. Lê Hoàng Vĩ (1714-?) người xã Đan Sĩ huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kiến Hưng thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, Tham chính Kinh Bắc. Sau khi mất, ông được tặng chức Hàn lâm Thị giảng.

6. Nguyễn Hoản (1713-1792) người xã Lan Khê huyện Nông Cống (nay thuộc xã Nông Trường huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông là con của Nguyễn Hiệu và giữ các chức quan, như Nhập thị Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Hữu Tư giảng Bộ Lễ, Tri Quốc tử giám, Tri Trung thư giám, Tri Đông các, Tri Hàn lâm viện sự kiêm Quốc sử tổng tài, sau thăng hàm Thái phó, tước Viện Quận công và được tôn làm Quốc lão. Có tài liệu đọc là Nguyễn Hoàn.

7. Phạm Sĩ Thuyên (1697-?) người xã Trung Lập huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan đến Hàn lâm Thị thư, tước bá.

8. Lê Doãn Giản (1715-1774) người xã Đại Mão huyện Siêu Loại (nay là thuộc xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông là anh của Lê Doãn Thân, làm quan Hữu Thị lang Bộ Công, Tả Thị lang Bộ Hình, hành Sơn Nam Thừa chính sứ.

9. Lê Doãn Giai (1714-?) người xã Ỷ Bích huyện Thuần Lộc (nay thuộc xã Hưng Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu lý. Sau ông đổi tên là Lê Doãn Bưu.

Bia số 68: Năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ MÙI NIÊN HIỆU VĨNH HỰU NĂM THỨ 5 (1739)

Tiến sĩ đăng khoa được ban thứ bậc, khắc đá đề danh là để làm rạng rỡ điều tai nghe mắt thấy, lưu truyền tới đời sau, đó là thịnh điển tôn Nho của bản triều.

Kính nghĩ: Thái thượng hoàng đế1 bệ hạ coi trọng phép cũ, làm mẫu mực cho thánh đạo. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương]2 cùng chung một đức, chấn hưng trăm việc, sửa trường học trên sông Phán Thủy để tác thành nhân tài, mở cửa thành nước Ngu để đón tuấn sĩ. Mùa xuân tháng 3 năm Kỷ Mùi thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Đặc sai Đô hiệu điểm ty Hữu Hiệu điểm Phó tướng Phúc Quận công Trịnh Trang làm Đề điệu, Công bộ Thượng thư Thụ Hương bá Trịnh Bá Tướng làm Tri Cống cử, Công bộ Tả Thị lang Gia Lạc bá Dương Lệ, Lại bộ Hữu Thị lang Nguyễn Vĩ làm Giám thí, cùng bách ty trong ngoài chia giữ các việc.

Lúc bấy giờ, số người dự thi có đến 3.000 người. Viện quan tâu chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Lâm Thái 8 người.

Ngày tháng 5 vào Điện thí. Quan Độc quyển dâng quyển để Hoàng thượng ngự lãm. Ban cho Vũ Diệm đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Vũ Trần Thiệu 7 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Sau khi loa truyền liền cho vào chầu, thay bỏ áo thường dân, ban cho áo xanh đai thơm để được vinh hoa, cho yến Quỳnh hoa bạc để tỏ ưu đãi, ơn điển dồi dào, lễ nghi long trọng. Sau lại sai khắc bia để ghi sự việc, nhưng gặp lúc nhiều việc nên chưa kịp vâng mệnh biểu dương. Làm theo đúng quy chế cũ có lẽ còn đợi đến ngày nay vậy.

Đến nay, Hoàng thượng bệ hạ kế thừa ý chí tiên vương, mở rộng mưu lược lớn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương]3 giúp nên công đức của thánh hoàng, đổi mới chính sự từ buổi đầu, bên ngoài võ công đã định, bên trong văn giáo mở mang. Bèn chiếu theo điển cũ cho khắc đá dựng bia, sai thần làm bài ký.

Thần trộm nghĩ triều đình chọn người, chỉ có khoa Tiến sĩ là được nhiều nhất. Sĩ phu dùng nó làm bậc thang để bước lên đường huân nghiệp, nước nhà dùng nó làm công cụ tô điểm cho cuộc thái bình. Trong đó có những bậc tài hoa nổi tiếng, người hiền tuấn xếp hàng, đem đức vọng tài trí gánh vác công việc, lấy chính trực trung hậu mà đứng trong triều. Có người dự bàn mưu mô ở chốn miếu đường nhằm khuyếch trương văn trị, người thì sau lúc binh đao đến tận chiến trường khám định võ công, mưu xa bàn rộng, rạng rỡ sử sách, công tích lớn lao chiếu sáng vũ trụ, chọn người được nhiều nhất nhờ ở khoa Tiến sĩ. Cho nên từ thời Hồng Đức đã đặc biệt coi trọng khoa thi Tiến sĩ, cho rằng nếu chỉ nêu tên bảng vàng, đem treo ở cửa nhà Thái học, tuy có thể thỏa mãn nghe nhìn nhưng không đủ để lưu truyền mãi mãi; ghi vào sổ sách cất giữ ở triều đường dẫu tiện tra cứu mà vẫn chưa đủ để nêu rõ thanh danh. Vì thế (Thánh Tông Thuần hoàng đế) mới sai khắc đá dựng bia ở nhà Thái học, khiến cho khoa danh tên tuổi lưu tiếng thơm tới ngàn đời. Lối phô trương khích lệ như thế, từ xưa chưa có, thánh đế đời trước sáng tạo ra mới mẻ mà thánh hoàng thời nay nối gót làm theo, thực là thịnh tâm chuộng hiền đãi sĩ, quy chế tốt đẹp trọng đạo sùng Nho vậy.

Thế thì những người đỗ khoa này há chỉ biết may mắn được ghi tên trên bia này thôi ư? Ắt là phải trau dồi tiết hạnh, lập nên công tích, tên họ được thêu lên cờ lệnh, khắc vào chuông đỉnh, khiến cho công danh sự nghiệp cùng tấm bia này lưu truyền mãi mãi, thế mới đền đáp được tấm lòng chuộng văn của thánh thượng muốn nêu cao việc chọn lựa được nhiều người tài bằng phép thi đại khoa, ngõ hầu không thẹn với khoa danh vậy. Thảng hoặc ai đó ngọc xước khó mài, vết nhơ khôn giấu thì đã có công luận, há chẳng đáng sợ lắm sao?

Thế thì tấm bia này vốn là để lưu tiếng thơm tới muôn đời mà đặc biệt còn là để làm gương sáng cho mai sau, có quan hệ rất lớn đến danh giáo, há phải chỉ phô trương cho hào nhoáng mà thôi đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Trung hiến đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Bạch Phấn Ưng4 vâng sắc soạn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Suy trung Dực vận công thần Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày mồng 4 tháng 10 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân:

VŨ DIỆM 武琰5 người xã Thổ Vượng huyện Thiên Lộc, Tri phủ.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 7 người:

VŨ TRẦN THIỆU 武 陳 紹6 người phường Thái Cực huyện Thọ Xương, nguyên quán xã Đan Luân huyện Đường An, Nho sinh trúng thức, nguyên tên là Vũ Trần Tự.

NGUYỄN LÂM THÁI 阮 林 泰7 người xã Thổ Hào huyện Thanh Chương, Huấn đạo.

TRƯƠNG ĐÌNH TUYÊN 張 廷 瑄8 người phường Công Bộ huyện Quảng Đức, Giám sinh.

BÙI TRỌNG HUYẾN 裴 仲 絢9 người xã Tiên Mộc huyện Nông Cống, Giám sinh.

NGUYỄN HUY THỤC 阮 輝 淑10 người xã Kim Bài huyện Thanh Oai, Giám sinh.

NGUYỄN LUÂN 阮 倫11 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương, nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An, Tả mạc.

PHẠM ĐÌNH TRỌNG 范 廷 重12 người xã Khinh Dao huyện Giáp Sơn, Giám sinh.

Mậu lâm tá lang Trung thư giám Điển thư Câu kê Lại phiên Phạm Đăng Trù vâng sắc viết chữ (chân).

Sinh đồ xã An Hoạch huyện Đông Sơn là Lê Nguyễn Diệu vâng khắc chữ.

Chú thích:

1. Chỉ Lê Ý Tông sau khi truyền ngôi cho Lê Duy Diêu được tôn làm Thái thượng hoàng.

2. Tước hiệu của Trịnh Giang được phong năm 1732.

3. Tước phong của Trịnh Giang năm 1732.

4. Bạch Phấn Ưng: xem chú thích 17, Bia số 65.

5. Vũ Diệm (1705-?) người xã Thổ Vượng huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Vương Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Hàn lâm Thị thư. Sau khi mất, ông được tặng chức Tự khanh, tước bá.

6. Vũ Trần Thiệu (1716-?) người phường Thái Cực huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Hàng Đào quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Đoan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước bá và được cử 2 lần đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư. Ông nguyên tên là Vũ Trần Tự , sau đổi tên là Vũ Trần Thiệu.

7. Nguyễn Lâm Thái (1686-?) người xã Thổ Hào huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Thanh Giang huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.

8. Trương Đình Tuyên (1713-?) người phường Công Bộ huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công.

9. Bùi Trọng Huyến (1713-?) người xã Tiên Mộc huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ, Tri Hình phiên, tước Huyễn Lĩnh bá.

10. Nguyễn Huy Thục (1716-?) người xã Kim Bài huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim An huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.

11. Nguyễn Luân (1700-?) người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay là phường Hàng Vải quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàm lâm viện Đãi chế.

12. Phạm Đình Trọng (1714-1754) người xã Khinh Dao huyện Giáp Sơn (nay thuộc xã An Dương huyện An Hải Tp. Hải Phòng). Ông giữ các chức quan, nhưPhó Đô Ngự sử, Bồi tụng, tước Dao Lĩnh hầu; sau được bổ làm Hiệp trấn ba đạo Đông, Nam, Bắc và thống lĩnh quân triều đình đi đánh dẹp Nguyễn Hữu Cầu, rồi thăng Thượng thư Bộ Binh, hàm Thái tử Thái phó, tước Hải Quận công và cử làm Trấn thủ Nghệ An. Sau khi mất, ông được tặng tước Đại vương, phong phúc thần.

Bia số 67: Năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH THÌN NIÊN HIỆU VĨNH HỰU NĂM THỨ 2 (1736)

Mừng nay nước nhà yên ổn, văn vận hanh thông.

Kính vâng: Hoàng thượng nối cơ nghiệp lớn, làm sáng mệnh trời. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương]1 noi theo lệ lớn tuyển chọn hiền tài. Mùa xuân tháng 3 năm Bính Thìn, chuẩn lời tâu của Bộ Lễ xin mở khoa thi Hội. Đặc sai Phó tướng Tả Đô đốc Cảnh Quận công Trịnh Diễn làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư Huy Lâm hầu Ngô Đình Thạc làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Gia Lạc bá Dương Lệ, Hộ bộ Hữu Thị lang Đông Thọ bá Phạm Minh làm Giám thí. Qua trường bốn lấy bọn Nhữ Đình Toản 15 người trúng cách. Qua tháng sau Điện thí, cho bọn Trịnh Huệ đỗ Cập đệ, Xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc tên vào đá để lưu truyền mãi mãi.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 2 người:

Đệ nhất danhTRỊNH HUỆ 鄭橞2 người hương Sóc Sơn huyện Vĩnh Phúc, trú quán xã Bất Quần huyện Quảng Xương, Lang trung.

Đệ tam danhNGUYỄN QUỐC HIỆU 阮國傚3 người xã Phú Thứ huyện Duy Tiên, Giám sinh.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

LÊ SĨ BÀNG 黎仕滂4 người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc, Giám sinh.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 12 người:

LÊ SĨ TRIÊM 黎仕霑5 người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc, Huấn đạo.

VŨ PHƯƠNG ĐỀ 武方王是6 người xã Mộ Trạch huyện Đường An, Tri huyện.

ĐỒNG DOÃN KHUÊ 同允珪7 người xã Hùng Sơn huyện Đại Từ, Giám sinh.

ĐÀO XUÂN LAN 陶春蘭8 người xã Hà Mi huyện Nông Cống, Giám sinh.

TRẦN BÁ TÂN 陳伯賓9 người xã An Hoạch huyện Đông Sơn, sau đổi tên là Huy Bật.

NHỮ ĐÌNH TOẢN 汝廷瓚10 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An, Tự thừa.

VŨ ĐÌNH QUYỀN 武廷權11 người phường Yên Thái huyện Quảng Đức, Nho sinh trúng thức.

TRẦN DANH TÂN 陳名賓12 người xã Bồng Trì huyện Gia Định, thi đỗ năm 18 tuổi.

NGUYỄN BÁ TUÂN 阮伯珣13 người xã Đa Hòa huyện Đông Yên, Giám sinh.

MAI TRỌNG TƯƠNG 梅仲襄14 người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh. Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN THẾ GIAI 阮世楷15 người xã Nhân Lý huyện Thanh Lâm, Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN TÔNG MẠI 阮宗勱16 người xã Yên Đổ huyện Bình Lục, Giám sinh.

Bia dựng tháng 3 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) Hoàng Lê.

Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Bồi tụng Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Đình Thái17 vâng sắc soạn.

Chú thích:

1. Tước hiệu của Trịnh Giang.

2.Trịnh Huệ (1704-?) người hương Sơn Biện Thượng huyện Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa), trú quán xã Bất Quần huyện Quảng Xương (nay thuộc huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tham tụng Thượng thư Bộ Hình, do theo phe đảng của Hoàng Công Phụ liền bị bắt giam, rồi được tha và giáng xuống Thừa chỉ, sau thăng đến chức Tế tửu Quốc tử giám. Sau khi mất, ông được tặng hàm Hữu Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Trịnh Tuệ.

3. Nguyễn Quốc Hiệu (1696-?) người xã Phú Thứ huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Tiên Hiệp huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Hiến sát sứ.

4. Lê Sĩ Bàng (1705-?) người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là em của Lê Sĩ Triêm và làm quan Đông các Học sĩ, quyền tham chính Kinh Bắc.

5. Lê Sĩ Triêm (1693-?) người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thuần Thiên huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là anh của Lê Sĩ Bàng, làm quan Đông các Học sĩ và Đốc thị Nghệ An. Có tài liệu ghi ông là Lê Nguyễn Triêm.

6. Vũ Phương Đề (1698-?) tự là Thuần Phủ, người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đông các Học sĩ.

7. Đồng Doãn Khuê (1701-?) người xã Hùng Sơn huyện Đại Từ (nay thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo, sau giữ chức Đốc đồng Lạng Sơn. Có tài liệu ghi là Đồng Doãn Giai.

8. Đào Xuân Lan (1711-?) người xã Hà My huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Công, tước bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).

9. Trần Bá Tân (1710-?) người xã An Hoạch huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Tân huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại, tước hầu, rồi bị giáng xuống Thượng thư Bộ Công. Sau ông đổi tên là Trần Huy Bật.

10. Nhữ Đình Toản (1703-1774) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cháu nội Nhữ Đình Dụng, con của Nhữ Tiến Hiền và là cha của Nhữ Công Chân. Ông làm quan đến Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, sau đổi sang chức võ và được ban quốc lão.

11. Vũ Đình Quyền (1710-?) người phường Yên Thái huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tự khanh, về trí sĩ.

12. Trần Danh Tân (1708-?) người xã Bồng Trì huyện Gia Định (nay thuộc xã Bình Dương huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chính sứ. Sau ông đổi tên là Trần Trọng Đống.

13. Nguyễn Bá Tuân (1699-?) người xã Đa Hòa huyện Đông Yên (nay thuộc xã Bình Minh huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế.

14. Mai Trọng Tương (1701-?) người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh (nay thuộc xã Cao Thành huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông là em của Mai Danh Tông và làm quan Hàn lâm Hiệu lý. Khi đi thi ông tên là Mai Nghĩa Chính, sau đổi là Mai Trọng Tương.

15. Nguyễn Thế Giai (1709-?) người xã Nhân Lý huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Hình, Hiệp thống lĩnh, Hàn lâm Hiệu lý, tước hầu và được cử làm Trấn thủ Thanh Hoa, nhưng bị mất trên đường đi. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Thế Khải.

16. Nguyễn Tông Mại (1708-?) người xã Yên Đổ huyện Bình Lục (nay thuộc xã Trung Lương huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam). Ông làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế.

17. Nguyễn Đình Thái (1684-1758) người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Kim quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông 32 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi Vĩnh Thịnh 11 (1715), sau lại đỗ khoa Đông các năm Bảo Thái Mậu Thân (1728), làm quan Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Lại, tước Kiều Quận công. Có tài liệu ghi là Nguyễn Công Thái.

Bia số 66: Năm Long Đức thứ 2 (1733)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ SỬU NIÊN HIỆU LONG ĐỨC NĂM THỨ 2 (1733)

Từng nghe nước nhà tô điểm trị bình, ắt tìm kiếm người hiền để làm trụ cột; triều đình chấn hưng văn giáo, tất phải biểu dương việc thiện để gây dựng tiếng tăm; thế thì điển lệ đề danh Tiến sĩ cũng do ở lẽ đó chăng?

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ đảm đương mệnh sáng, nối giữ cơ nghiệp lớn lao, tiếp vừng đông chiếu rọi bốn phương, xem nhân văn để giáo hoá thiên hạ. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương] cùng chung một đức, trăm việc chấn hưng, sửa sang thái bình, rộng tìm tài tuấn. Mùa xuân năm Quý Sửu, tháng 3, thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đặc sai bề tôi là Đô đốc phủ Tả Đô đốc Chưởng phủ sự Thiếu bảo Siêu Quận công Nguyễn Minh Châu làm Đề điệu, Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Lại Trạch hầu Phạm Đình Kính làm Tri Cống cử, Bồi tụng Hộ bộ Hữu Thị lang Xuân Trì hầu Đỗ Lệnh Danh, Hình bộ Tả Thị lang Nguyễn Trọng Thường làm Giám thí, cùng các ty trong ngoài chia giữ các việc.

Lúc bấy giờ sĩ tử đăng tên dự thi gần 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Hồ Quýnh 18 người. Ngày tháng 5 triệu vào Điện thí, ban cho Nhữ Trọng Đài đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh; Trần Trọng Liêu, Nguyễn Hồ Quýnh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Kỳ Nhậm 15 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Gọi loa xướng tên ở thềm rồng, treo bảng vàng tại nhà Thái học, ban áo mũ triều phục, cho hoa bạc yến Quỳnh, thứ lớp ban ơn nhất nhất đều theo điển chương phép cũ, mà việc khắc đá đề danh cũng theo đúng lệ xưa. Đặc sai từ thần soạn bài văn để ghi sự thật.

Thần kính vâng lời ngọc, khôn xiết hân hạnh vui mừng, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Qua các triều đại khoa thi Tiến sĩ đều được tôn trọng, nhưng việc khắc đá đề danh để truyền lại lâu dài, thì trước chưa thấy.

Kính nghĩ: Quốc triều mở vận, thánh đế thánh vương kế nối đều tôn trọng người tài giỏi tuấn tú, yêu chuộng nho nhã. Bia đề danh Tiến sĩ bắt đầu có từ năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức, lại từ khoa Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng về sau được truy lập vào năm Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh, cho đến ngày nay, đã trở nên một điển lệ tốt đẹp. Cạnh nhà Thái học san sát bia cao, bên dòng nước xanh danh thơm bay mãi, rạng rỡ chẳng khác nào cờ thái thường đua ánh giữa bầu trời. Sự khuyến khích khen thưởng, công hun đúc giáo hóa thật đã vượt qua đời trước nhiều lắm.

Kẻ sĩ sinh ở đời này, thấm nhuần ơn huệ, mang đội nhân sâu, vậy báo đáp phải nên thế nào? Ắt phải có chí khí tiết tháo ngọc vàng, tấm lòng trung trinh sắt đá, phải luôn trau chuốt cho trong sạch sáng quang, rèn dũa tiết hạnh, thề giữ đức trong trắng tứ tri1, theo đúng đạo thận cần tam pháp2, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa phò tá chính sự, làm đá tảng cột trụ ở chốn miếu đường, đưa quốc gia đến chỗ vững yên như Thái Sơn bàn thạch, ngõ hầu không phụ với sở học, không thẹn với khoa danh, mà họ tên khắc trên bia đá có thể trường tồn không nát vậy. Thảng hoặc có ai đó mà lời nói không đi đôi với việc làm, danh thực trái nhau, thì vết nhơ trên ngọc không thể mài mòn, tì vết không sao che giấu được! Người ta sẽ chỉ vào tên mà bình phẩm, công luận nghiêm xét, há chẳng khá sợ hay sao? Thế thì tấm bia này dựng lên, chẳng phải chỉ riêng làm vẻ vang cho người thi đỗ, mà còn để gửi gắm sự khuyến miễn đối với sĩ phu. Tác thành có nguyên do, quan hệ đến nền giáo hóa, công dụng của nó đâu phải là nhỏ!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Trung trinh đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Quán Giaivâng sắc soạn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh kiêm Đông các Đại học sĩ Tri Hàn lâm viện sự Thiếu bảo Thuật Quận công Phạm Khiêm Ích vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 19 tháng 12 niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh:

NHỮ TRỌNG ĐÀI 汝仲台3 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An, Giáo thụ.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

TRẦN TRỌNG LIÊU 陳仲寮4 người xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc, Huấn đạo.

NGUYỄN HỒ QUÝNH 阮胡熲5 người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức, Nho sinh trúng thức.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 15 người:

NGUYỄN KỲ NHẬM 阮其任6 người xã Lê Xá huyện Chương Đức, Nho sinh trúng thức.

TRẦN CÔNG HÂN 陳公昕7 người xã Cổ Am huyện Vĩnh Lại, Tri huyện.

PHAN NHƯ KHUÊ 潘如圭8 người xã Yên Trung huyện La Sơn, Viên ngoại lang.

VŨ ĐÌNH DUNG 武廷蓉9 người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức, nguyên quán xã Phùng Xá huyện Thạch Thất, Viên ngoại lang.

NGUYỄN BÁ QUÝNH 阮伯炯10 người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường, Nho sinh trúng thức.

TRẦN MÔ 陳謨11 người xã Di Ái huyện Đan Phượng, Giám sinh.

NGUYỄN HUỆ 阮惠12 người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, Tri huyện.

TRẦN ĐỒNG 陳桐13 người xã Đan Phượng Thượng huyện Đan Phượng, Sinh đồ.

ĐỖ THÀNH DOÃN 杜成允14 người xã Lan Xuyên huyện Đông Yên, Nho sinh trúng thức.

TRẦN HIỀN 陳賢15 người xã Vân Canh huyện Từ Liêm, Điển hàn.

TRƯƠNG NGUYỄN ĐIỀU 張阮條16 người xã Xuân Canh huyện Đông Ngàn, trú quán xã Hàn Lạc huyện Gia Lâm, Lang trung.

NGUYỄN HÀNH 阮洐17 người xã Nguyệt Áo huyện La Sơn, Giám sinh.

NGHIÊM BÁ ĐĨNH 嚴伯珽18 người xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm, Tự thừa.

TRẦN DANH TIÊU 陳名標19 người xã Yên Sở huyện Đan Phượng, Sinh đồ.

NGUYỄN HUY THUẬT 阮輝術 20 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Điển bạ.

Trung thư giám Hoa văn học sinh người xã Phú Thị huyện Gia Lâm Nguyễn Viết Giai vâng viết chữ (chân).

Xã trưởng xã Gia Đức huyện Thủy Đường là Hoàng Quang Trạch vâng khắc chữ.

Chú thích:

1. Dương Chấn đời Hán có tiếng là thanh liêm, một hôm có người nhân đêm tối đưa lễ vật đến biếu, ông không nhận. Người kia nói: “Đêm khuya chẳng có ai biết, xin ông nhận cho”. Dương Chấn đáp: “Sao lại không? Tôi biết, anh biết, trời biết, đất biết, thế là bốn kẻ biết (tứ tri) rồi”.

2. Tức: Thanh liêm, thận trọng, siêng năng là ba phép tốt của người làm quan.

3. Nhữ Trọng Đài (1696-?) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cháu Nhữ Tiến Dụng và làm quan Hiến sát sứ.

4. Trần Trọng Liêu (1695-?) người xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Học sĩ. Sau khi mất, ông được tặng chức Tự khanh, tước bá.

5. Nguyễn Hồ Quýnh (1703-?) người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Thịnh Quang quận Đống Đa Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đãi chế. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Hồ Hiệp.

6. Nguyễn Kỳ Nhậm (1709-?) người xã Lê Xá huyện Chương Đức (nay thuộc xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây). Ông là con của Nguyễn Công Khuê, làm quan Đại học sĩ.

7. Trần Công Hân (1702-?) người xã Cổ Am huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am huyện Vĩnh Bảo Tp. Hải Phòng). Ông làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế. Sau bị tử trận, được tặng chức Đông các Đại học sĩ.

8. Phan Như Khuê (1693-?) người xã Yên Trung huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Hiến sát sứ. Có tài liệu ghi ông là Phạm Như Khuê.

9. Vũ Đình Dung (1699-?) người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Thịnh Quang quận Đống Đa Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Phùng Xá huyện Thạch Thất (nay là xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ, bị mất ở nơi làm quan và được tặng Hữu Thị lang.

10. Nguyễn Bá Quýnh (1710-1772) người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường (nay thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông là con của Nguyễn Phùng Thì, làm quan Tư nghiệp.

11. Trần Mô (1694-?) người xã Di Aí huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Di Trạch huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông là học trò của Trần Hiền, làm quan Thị độc, tước bá.

12. Nguyễn Huệ (1705-1733) người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay là xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là anh của Nguyễn Nghiễm, bác của Nguyễn Khản và Nguyễn Du. Thi đỗ, ông chưa kịp vinh quy thì lâm bệnh mất.

13. Trần Đồng (1708-?) người xã Đan Phượng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tư huấn.

14. Đỗ Thành Doãn (1700-?) người xã Lan Xuyên huyện Đông Yên (nay thuộc xã Thành Công huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hiệu thư, sau điều làm Đốc đồng Thanh Hoa và bị hại ở nhiệm sở.

15. Trần Hiền (1684-?) hiệu là Hoè Hiên , người xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thị giảng. Sinh thời, học trò của ông nhiều người thành đạt, như: Trần Mô, Trần Đồng, Trần Danh Tiêu cùng đỗ khoa này.

16. Trương Nguyễn Điều (1685-?) người xã Xuân Canh huyện Đông Ngàn (nay là xã Xuân Canh huyện Đông Anh Tp. Hà Nội), trú quán xã Hàn Lạc huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi là Trương Hữu Điều.

17. Nguyễn Hành (1701-?) người xã Nguyệt Aó huyện La Sơn (nay thuộc xã Trường Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Đông các Hiệu thư.

18. Nghiêm Bá Đĩnh (1683-1755) người xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm (nay là xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ, tước Khiêm Đường bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Tự khanh.

19. Trần Danh Tiêu (1709-?) người xã Yên Sở huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Yên Sở huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ.

20. Nguyễn Huy Thuật (1690-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thừa chỉ. Được về trí sĩ.