Bia số 22: Năm Quang Hưng thứ 18 (1595)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ẤT MÙI NIÊN HIỆU QUANG HƯNG NĂM THỨ 18 (1595)

Hoàng thiên mở vận hưng vượng, tất sinh hiền tài giúp nước. Bậc minh quân muốn rộng đường chọn kẻ sĩ, ắt đặt khoa mục cầu tìm anh tài.

Trải xem các cuộc hưng thịnh xưa nay, chưa có đời nào không coi trọng dụng người hiền kén chọn kẻ sĩ làm công việc hàng đầu.

Kính nghĩ: Thánh triều Thái Tổ Cao hoàng đế lấy đại nghĩa trừ hung tàn, mở mang tư văn để tạo dựng cơ nghiệp. Nuôi dưỡng nhân tài thì dựng nhà học; chọn dùng sĩ tử thì có luận đề sách vấn. Các điều khoản của khoa mục chưa được kỹ càng, mà khí mạch tư văn thì đã hoàn thiện. Sâu sắc thay lòng nhân hậu vun trồng, tốt đẹp thay phương lược lưu dành cho mai hậu. Thái Tông Văn hoàng đế lên ngôi vỗ yên trăm họ, lấy đạo nghĩa trị nước, theo pháp độ đời Thành Chu mà khoa thi Tiến sĩ bắt đầu được mở ra mà các bậc chính nhân quân tử nối nhau xuất hiện, vui được dùng giúp ở thời thịnh sáng. Nhân Tông Tuyên hoàng đế lấy võ công bảo vệ dân sinh, lấy văn hóa trị yên đất nước. Một lòng giữ trung đạo, ba lần mở khoa thi mà Nho sĩ nóng lòng muốn được ra giúp vua giúp nước. Thánh Tông Thuần hoàng đế thánh học cao minh, công trị bình rực rỡ, nối chính thống của tiên hoàng, gom tinh hoa của liệt thánh. Đăng khoa có sách, đề danh có bia. Kén chọn được nhân tài ở thời này là thịnh nhất, mà kẻ sĩ từ đó cũng được vẻ vang. Hiến Tông Duệ hoàng đế kế thừa ngôi báu, làm rạng rỡ công xưa, khảo xét chế độ tiên vương, khởi phát tài năng trong thiên hạ, trọng dụng khoa trường, tác thành nho sĩ, việc trọng Nho xem ra còn hơn trước, vì thế văn nhân thời này nhiều người thành đạt. Về sau, thánh nối hiền truyền, mọi việc đều tuân theo quy củ. Tuy kẻ kia1 tiếm đoạt có lúc đã tưởng mất ngôi nhà Hạ, nhưng trời cao chưa nỡ bỏ nền tư văn, không nỡ để bị diệt bởi nhà Tần mà đợi đến nhà Hán lại trung hưng. May thay trời sinh Anh Tông Tuấn hoàng đế nối giữ nghiệp lớn của Trang Tông Dụ hoàng đế và Trung Tông Vũ hoàng đế, lại nhờ có Thế tổ Minh Khang thái vương dốc lòng kính giúp như các đại thần Chu Công, Thiệu Công, vua tôi chung lòng, khuông phù công cuộc trung hưng, hai lần mở thi Chế khoa mà anh tài tuấn kiệt có nhiều người xuất hiện.

Ôi! Thế Tông Nghị hoàng đế kế thừa công đức tổ tông truyền lại, ứng vận hội trời thuận người theo. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương mở mang cơ nghiệp, mài chí kinh luân, hăng hái dấy nghĩa, dùng võ công mở mang bờ cõi, ấp Thang Mộc chỉnh đốn càn khôn, trước sau mở 4 khoa thi Tiến sĩ. Đến khi dẹp xong ngụy Mạc, khôi phục bờ cõi cũ, lại đem quân về kinh, trời Nam nhật nguyệt đôi vừng lại sáng. Khoa thi Tiến sĩ lại tiếp mở hai lần, mà khoa Ất Sửu niên hiệu Quang Hưng thứ 18 này là khoa thứ 5 trong thời Trung hưng vậy.

Bấy giờ các sĩ tử về kinh thi Hội đông đến trên 3.000 người, qua bốn trường chọn hạng trúng cách ghi tên tâu lên. Hoàng thượng ra hiên điện đích thân ra đề hỏi về phương pháp trị nước. Đặc sai Đề điệu là Thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, Tri Cống cử là Lại bộ Thượng thư Thiếu phó Quỳnh Quận công Nguyễn Mậu Tuyên, Lễ bộ Tả Thị lang Hòa Lễ bá Ngô Tháo, Hộ bộ Hữu Thị lang Hồ Bỉnh Quốc chia giữ các việc. Đến khi dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Thực 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đức Mậu 4 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ơn vinh ban cấp theo thứ bậc, so với các khoa trước lại có phần đầy đủ long trọng hơn.

Vả trong khoa này những bậc hiền tài giúp nước trị dân như chim phượng múa hót đến chầu, sân triều rạng rỡ các giai sĩ dùng văn chương làm đẹp nước nhà, ra tay giúp đời lập công trạng lớn, phụ giúp tác thành sự nghiệp cao cả, khiến cho nước nhà vững yên như đặt trên bàn thạch.

Kính Tông Huệ hoàng đế nối truyền, tư chất hòa hợp trời đất, nắm vận thái bình hưng thịnh. Lại nhờ có Thành Tổ Triết vương uyên thâm thánh học, kính giúp hoàng gia, chiếu lệ 3 năm một lần, mở 7 khoa thi cho hiền sĩ thăng tiến. Nhân tài nối nhau xuất hiện, đều trở thành bậc danh thần của bản triều, không chỉ để dùng cho một thời, mà còn hữu dụng cho cả ngày nay nữa.

Đến nay Hoàng thượng bệ hạ đảm đương mệnh lớn, vỗ về muôn dân, đức sáng như đế Thuấn, cửa lớn rộng mở như thành nhà Chu. Chính nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] định yên xã tắc, trọng triều đình, lập kỉ cương, sửa pháp độ, là muốn cho cơ nghiệp được lâu dài, lưu lại mưu lành cho con cháu. Vương thượng giao trọn quyền cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] thống suất trăm quan, sắp đặt mọi việc, định đặt chế độ, thu góp anh hiền. Khoa cử ngày một khuếch trương, nhân tài nối nhau xuất hiện; bậc đức vọng làm trụ đá miếu đường, người tài danh làm cột rường điện các, đưa sinh dân lên chỗ tươi sáng thịnh giàu, thu vũ trụ vào chốn thái bình an lạc. Mênh mông thay văn giáo chấn hưng, rực rỡ thay Nho phong mở rộng. Đó là thời nhân văn sáng rệt, giáo hóa tốt lành. Cảm nghĩ quốc triều từ khi khôi phục tới nay, các khoa thi Chế khoa, Tiến sĩ trước đây cùng là khoa này, là sự kiện lớn đã rầm rộ lúc đương thời, mà danh thơm mãi mãi còn lưu truyền đến đời sau nữa. Bèn sai quan Bộ Công khắc đá đề danh dựng ở cửa trường Thái học, xuống sắc chỉ sai bọn thần soạn bài ký để truyền lại lâu dài.

Bọn thần kính vâng lời ngọc, mừng cho hàng Tư văn Nho sĩ nước nhà, chúc mừng cho thiên hạ nước nhà, không dám viện cớ quê mùa thô vụng mà chối từ, bèn kính cẩn cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:

Trời đất gặp vận thái hòa, thì bậc chân nho xuất hiện. Chân nho xuất hiện thì thế đạo hanh thông. Thiên hạ không thể một ngày không có công lao cống hiến của các Nho sĩ. Bậc minh chúa cũng không thể một ngày không trọng học vấn của Nho gia.

Nghĩ thánh triều trong buổi trời đất thái hòa hanh thuận, chính là lúc nho học gặp thời. Tổ tông sùng Nho thì được thánh hiền phù trợ, thế là mưu tính sâu xa cho đạo Nho. Liệt thánh sùng Nho, thì Tiến sĩ được biểu dương, đó lại là từ đạo Nho mà phát huy lên nữa. Từ đời Trung hưng về sau, đạo Nho vẫn được sùng thượng hơn trước, nhưng việc khắc đá dựng bia ở Quốc tử giám thì chưa kịp cử hành.

Nay Thánh thượng để lòng mưu trị, hiếu học sùng Nho, vun trồng gốc đạo, trên nối chí tổ tông, dưới mở mang tinh hoa đạo học. Nhận thấy rằng những Tiến sĩ đỗ đạt các thứ bậc trong khoa này, đức hạnh ngôn ngữ đều ưu, chính sự văn chương đều tốt, cần phải biểu dương, khắc họ tên lên đá cứng để khích lệ các nho thần. Quan tâm đến Nho thuật như thế thật là hết lòng vậy. Thế thì sinh vào đời thánh minh, làm kẻ sĩ ở đời thánh minh, phải nên ghi lòng báo đáp thế nào?

Hãy nhìn vào khoa này xem: Có người nghĩa cha con đồng lòng, đạo vua tôi đồng đức, nguyện giúp vua cho được như Nghiêu Thuấn, giúp cho dân được như dân Đường Ngu; văn chương học thuật được người đương thời tôn trọng, đạo đức nhân nghĩa được người trong nước noi gương. Có người cầm cờ lệnh ra giữ chức ở quận ngoài; có người nói học đạo yêu người, vào giảng bàn kinh sách nơi màn trướng; có người được tôn kính là giảng thiện ngăn tà. Làm sứ giả thì tài giỏi như Phú Bật, Tô Vũ2; giữ xã tắc thì nổi tiếng như Lã Mông Chính, Hàn Kỳ3 công danh chói lọi đương thời, sự nghiệp ngời soi hậu thế. Tiếng thơm của bia đá này lâu dài đến vô cùng vậy. Hoặc cũng có người dối trá như Công Tôn, yếu hèn như Thạch Công, gian tà như Đinh Vị, phản trắc như An Thạch, thì vết nhơ trên đá này làm sao mài mòn đi được?

Như thế đủ biết bia đá này dựng lên chính là trụ đá của danh giáo, là sự khuyến khích người hiền, răn chừng kẻ bất thiện. Từ nay về sau, học trò cắp sách đi qua, đưa mắt nhìn bia đá, miệng đọc văn bia này, ai mà chẳng cảm kích phấn khởi, hy vọng chiếm khôi khoa, lấy liêm khiết tự khuyên răn để kính giúp cuộc thịnh trị của nước nhà muôn vạn năm thái bình, khuông phò nền tảng của xã tắc muôn vạn năm bền vững. Công dụng của nó há phải nhỏ đâu!

Bọn thần kính cẩn ghi lại.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Quang tiến Thận lộc đại phu Hàn lâm viện Hiệu lý Vinh Giang nam Nguyễn Văn Lễ4 vâng sắc soạn.

Trung thư giám Hoa văn học sinh Nguyễn Lĩnh quê xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn vâng sắc viết chữ (chân).

Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng viết chữ triện.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

NGUYỄN THỰC 阮實5 người xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn.

NGUYỄN NHẬT TRÁNG阮日壯6 người xã Yên Quyết Hạ huyện Từ Liêm.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 4 người:

NGUYỄN ĐỨC MẬU 阮德茂7 người xã Nhân Hữu huyện Gia Định.

ĐẶNG KÍNH CHỈ 鄧敬止8 người xã Yên Tập huyện Đường Hào.

NGUYỄN DANH THẾ 阮名世9 người xã Viên Nội huyện Chương Đức.

NGUYỄN ĐỨC TRẠCH 阮德澤10 người xã Ngọc Lập huyện Đường Hào.

Chú thích:

1. Chỉ họ Mạc.

2. Phú Bật và Tô Vũ:

– Phú Bật: Đời Tống Nhân Tông cùng với Hàn Kỳ chủ việc chính sự ở Trung thư sảnh. Sau cùng Văn Ngạn Bác làm Tể tướng, vì phản đối phép Thanh miêu của Vương An Thạch nên bị bãi chức, đày đi châu xa.

– Tô Vũ: Tự Tử Khanh, giữ chức Trung lang tướng đời Hán Vũ đế, vâng mệnh đi sứ Hung Nô, không chịu đầu hàng, bị đày đến Bắc Hải suốt 19 năm, sau mới được trở về.

3. Lã Mông Chính và Hàn Kỳ: Hai vị danh thần đời Tống.

4. Nguyễn Văn Lễ: Xem chú thích 18, Bia số 21.

5. Nguyễn Thực (1555-1637) người xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông là cha của Nguyễn Nghi. Ông giữ các chức quan, như Tán trị công thần, Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Đông các Đại học sĩ, Quốc lão, Thái phó, tước Lan Quận công và từng được đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi mất, ông được tặng Thái tể.

6. Nguyễn Nhật Tráng (1558-1600) người xã Yên Quyết Hạ huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Yên Hoà huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông là cháu nội của Nguyễn Khiêm Quang. Ông làm quan Lại khoa Đô Cấp sự trung. Khi nhà Lê mới trung hưng, vua quay về Thanh Hóa (chỉ sự biến thuỷ quân do Bùi Văn Khuê, Phan Ngạ cầm đầu năm 1600), ông xin về quê chăm sóc cha mẹ rồi bị giết. Vua thương tiếc, tôn là Tá lý công thần.

7. Nguyễn Đức Mậu (?-?) người xã Nhân Hữu huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chính sứ, tước Định Xuyên bá.

8. Đặng Kính Chỉ (1533-?) người xã Yên Tập huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nhân Hòa huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Lại khoa Cấp sự trung, Nhập thị Kinh diên, tước bá.

9. Nguyễn Danh Thế (1572-1645) người xã Viên Nội huyện Chương Đức (nay là xã Viên Nội huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đô Ngự sử, Nhập thị Kinh diên, Thái phó, tước Đường Quận công và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).

10. Nguyễn Đức Trạch (1555-1613) người xã Ngọc Lập huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tự khanh và từng được đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thị lang.

Bia số 21: Năm Quang Hưng thứ 15 (1592)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM THÌN NIÊN HIỆU QUANG HƯNG NĂM THỨ 15 (1592)

Trời mở vận trung hưng, thời dấy vận văn trị.

Kính nghĩ: Thế Tông Nghị hoàng đế sáng nhận mệnh lớn, phấn chí trung hưng, sửa sang chính sự, chấn tác kỷ cương, trọng đãi hiền tài, hoằng dương công nghiệp. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương1 nối nghiệp Minh Khang thái vương2 khuông phù đế thất, giúp giữ cơ đồ hoàng gia, kính cẩn nhận quyền giúp trị, kíp gấp cầu tìm hiền tài. Bèn ở ấp Thang Mộc3 mở thi Chế khoa 1 khoa và 6 khoa thi Tiến sĩ. Khoa này mở năm Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng thứ 15 chính là khoa thi Tiến sĩ thứ 4 đời Trung hưng. Rộng mở trường thi mùa xuân, thi Hội các sĩ nhân trong nước, chọn lấy hạng xuất sắc, quan hữu ti kê tên tâu lên.

Ngày hôm sau Điện thí, Hoàng thượng lâm ngự trên hiên, đích thân ban đề thi văn sách, đặc sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí chia giữ các việc. Đến khi dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, đích thân xem xét xếp định thứ bậc. Ban cho Trịnh Cảnh Thụy, Ngô Trí Hoà 2 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Ngô Trí Tri đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Loa gọi xướng tên người thi đỗ. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Thái học để cho sĩ tử vẻ vang trông xem. Lại kính tuân ân lệnh ban phong tước trật để nêu bật danh phận, ban áo mũ phẩm phục để được đẹp thân, ban yến Quỳnh Lâm để tỏ ơn từ huệ, cấp biển gổ để rước vinh quy, nêu cao ý ưu ái đãi ngộ. Mạch đạo trở lại xuân tươi, rừng Nho càng được khởi sắc. Sĩ tử và dân chúng Tràng An đâu đâu cũng túm tụm trông xem, đều cho là vui sướng được thấy cảnh thái bình đời thịnh của thánh triều. Cha con cùng đỗ một khoa4, thực là văn minh thịnh hội vậy.

Đỗ khoa này đều là những bậc tài cao học rộng, có người hiến mưu hay trong chốn lầu đồng cửa ngọc, có người mở tráp vàng kho đá mà sưu tầm những áng văn hay, giúp sáng lại đôi vừng nhật nguyệt; sau khi đỗ liền làm mưa rào giúp vua ơn dân, hiến mưu trung để trợ giúp đại kế, phù vận lớn mà đưa đến cuộc trung hưng. Quốc gia nhờ đó dẹp trừ được ngụy Mạc, khôi phục kinh thành, sáu cõi5 cùng xuân, thiên hạ thu về một mối. Được như vậy cũng nhờ có công giúp của những người thi đỗ khoa này. Công danh của họ đại khái đã thấy, nhưng việc khắc đá đề danh thì chưa được cử hành. Hoàn thành ý muốn của người xưa chưa kịp hoàn thành, coi trọng tư văn ở cái đáng coi trọng, chính là lúc này đây.

Ôi! Hoàng thượng bệ hạ6 mưu lược sáng suốt, đức hợp Trùng Hoa7, hàng đầu coi trọng tinh chuyên8, mong có người hiền đức để vời ra giúp nước. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương]9 lập công trị nước, mưu yên thiên hạ, chuyên giao cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương]10thống lĩnh trăm quan, xét quyết mọi việc, cùng bề tôi văn võ đồng lòng kính giúp, việc nước đều được tốt đẹp, khoa cử thịnh hành, nhân tài tiếp nối ra giữ các chức việc, sân triều chật đông khanh sĩ, giữa nắng sáng trời trong tiếng hô vâng ran dậy, chốn đài xuân đuốc ngọc ai nấy đều dốc lòng tận trung. Đó là sự diệu kỳ mà thánh giáo đã tác thành cho con người, nhờ sự dưỡng dục hun đúc mà đạt được như thế. Quả thật là tác thành có phương, khích lệ có phép vậy. Nghĩ rằng khoa mục tùy thời mà đặt ra, có quy chế hay để kén chọn nhân tài, khắc đá đề danh, rộng khuyên tác thành cho kẻ sĩ. Vả lại bia đá một khi dựng lên là quốc triều đã có thành pháp, mà từ Trung hưng khôi phục đến nay chưa kịp cử hành lệ cũ, khiến cho thời ấy bia ấy chưa được dựng lên, thì làm sao có thể nêu cao thịnh sự của Nho khoa làm vẻ đẹp lớn cho đời nay và tỏ sự khuyến khích cho đời sau? Vì vậy sai đem họ tên các Tiến sĩ khoa này truy khắc lên đá tốt, sai bọn thần soạn bài ký ghi sự việc dựng tại cửa nhà Thái học, làm cho đầy đủ thịnh điển của triều đình.

Bọn thần vụng về bỉ lậu, đâu đủ văn từ để phô trần đại sự. Nhưng ngước nghĩ thánh thiên tử đã ban ơn huệ cho nhân tài, lo nghĩ cho tư văn thế đạo, nêu quy củ lớn lao khuôn mẫu tốt đẹp để dành cho hậu thế, bọn thần kính cẩn vâng tuân lời ngọc, khôn xiết cảm kích, tột bậc vui mừng, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Bề trên đặt khoa thi, cốt để thu hút nhân tài, đâu phải chỉ để trông vào cho đẹp mắt. Kẻ dưới đăng tên dự thi là để theo bậc thang mà bước lên đường huân nghiệp, đâu phải để mưu cầu danh lợi. Bởi vì nền chính sự tốt đẹp của quốc gia không có nhân tài thì không thể gây dựng được, mà kẻ sĩ hào kiệt ắt phải do khoa cử thì mới có dịp tiến thân. Kể từ đời Thành Chu đã nhận thư tiến cử người hiền, từ đó bắt đầu có sự tuyển chọn những người được tiến cử11. Về sau trải đến các đời Đường, Tống có khi gọi là bảng Long hổ, có khi gọi là khoa tướng võ tướng văn12. Trải xem các đời đế vương anh minh tài giỏi từ xưa muốn dựng nền trí trị đều phải lấy sự thu hút nhân tài làm cốt yếu, không đời nào không coi trọng khoa mục. Các văn nhân tài sĩ muốn lập huân danh sự nghiệp để lưu tiếng ở đời, đại để cũng do con đường khoa mục mà tiến thân, thế thì khoa mục đặt ra là có nguyên do của nó.

Ngày nay quốc triều thánh tổ thần tông khai sáng chế độ, giữ gìn thành tựu, lưu tâm thu nạp hiền tài, đặt ra Chế khoa mở thi Tiến sĩ, đề tên dựng đá có bài ký khắc bia, là cốt để làm gương soi làm rùa bói cho trăm đời, làm quy trình phép tắc cho muôn thuở, rất mực sáng suốt vậy.

Từ khi Trung hưng đến nay các khoa thi Tiến sĩ vẫn được cử hành đều đặn, nhưng việc khắc đá đề danh thì chưa kịp cử hành. Nay chính là lúc cần phải làm việc đó.

Kính nghĩ: Thánh thượng khôi phục khuếch trương công cụ trị đạo, trọng dụng Nho khoa, máy cổ vũ thần diệu như sấm chớp, lò khoa danh hun đúc anh tài, xưa đề tên tháp Nhạn, nay có khuôn mẫu bia rùa13, đủ thấy Thánh thượng chuộng phép tuyển đầu Ngao14, thể hiện ra vẻ sáng lông phượng, bia đá cao ngất dựng bên trường Giám, ý đẹp tôn Nho xem ra có phần hơn xưa. Những người được đề danh lên tấm đá này thật vẻ vang may mắn biết bao !

Hãy lấy khoa này mà tìm xem sự nghiệp của các vị đại thần thuở trước, thì thấy có người được như Trọng Yêm, Thuần Nhân cha con một lòng15, có người được như Tắc, Tiết, Dao, Quỳ16 vua tôi hiệp đức; có người hiểu sâu biết rộng, có kiến thức như mai rùa cỏ thi17, có người phẩm tiết cứng cỏi đảm đương trọng trách như trụ đá của triều đình, [……] truyền bá huân nghiệp lừng lẫy, lưu lại tiếng khen vô cùng, danh thơm còn mãi bất hủ. Thảng hoặc có người trước sau sai lệch, ngoài ngọc trong đá, cái người ta xem đọc không như điều nghe đồn, việc đã làm trái với sở học, thì hiền hay không hiền, trung tà rõ rệt, phải trái nên hư ranh rành, tì vết trên ngọc không thể che lấp, làm sao tránh khỏi cười chê muôn đời? Thế thì, bia đá này dựng lên giúp ích được rất nhiều: người thiện có thể xem để được khuyến khích, kẻ ác có thể lấy đó làm răn, tỏ ý khen chê đối với việc trước, để lại khuyên răn cho đời sau, trau dồi danh tiết sĩ phu cả trăm ngàn năm, mệnh mạch nước nhà vững bền muôn vạn thuở. Việc làm của Thánh thượng há phải ngẫu nhiên đâu! Những ai xem đọc bia này, đều nên biết ý nghĩa sâu sắc đó.

Bọn thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Quang tiến Thận lộc đại phu Hàn lâm viện Hiệu lý Vinh Giang nam Nguyễn Văn Lễ18 vâng sắc soạn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Trung thư giám Điển thư, người ấp Thụy Khuê huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai là Gia Thụy tử Nguyễn Tuấn Đắc vâng viết chữ chân.

Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái thừa, Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng viết chữ triện.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

TRỊNH CẢNH THỤY 鄭景瑞19 người xã Chân Bái huyện Yên Định.

NGÔ TRÍ HÒA 吳致和20 người xã Lý Trai huyện Đông Thành.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

NGÔ TRÍ TRI 吳致知21 người xã Lý Trai huyện Đông Thành.

Chú thích:

1. Miếu hiệu của Trịnh Tùng.

2. Miếu hiệu của Trịnh Kiểm.

3. Thang Mộc ấp, chỉ Thanh Hóa nơi khởi phát sự nghiệp trung hưng của nhà Lê.

4. Ngô Trí Tri và con là Ngô Trí Hòa cùng đỗ khoa này.

5. Nguyên văn: “Lục hợp”, tức trời đất và bốn phương.

6. Chỉ vua Lê Thần Tông.

7. Trùng Hoa, mỹ danh đời sau tôn gọi vua Thuấn.

8. Nguyên văn dùng chữ trong Kinh Thư: “Duy tinh duy nhất “. Vua Thuấn bảo Vũ: Phải tinh tế chuyên nhất, kính giữ trung đạo (Thư kinh, Đại Vũ mô).

9. Tước phong của Trịnh Tráng năm 1629. Bia viết và khắc dựng năm 1653 khi Trịnh Tráng còn tại vị tôn gọi theo tước hiệu này, phải đến năm 1657 sau khi mất mới có mỹ tự gia phong: “Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng chủ Sư phụ Công cao Thông đoán Nhân thánh Thanh vương”.

10. Tước phong của Trịnh Tạc.

11. Nguyên văn: “Tiến sĩ chi tuyển”. Từ Tiến sĩ ở đây có nghĩa là những người được tiến cử. Còn tên gọi khoa thi Tiến sĩ (Tiến sĩ khoa) thì mãi sau đến đời Tùy Dạng đế năm Đại Nghiệp thứ 2 (606) mới bắt đầu đặt ra.

12. Nguyên văn: “Tướng, tướng chi khoa”. Vì là 2 từ Hán Việt đồng âm “tướng (tức tướng võ) và “tướng ” tướng văn) nên chuyển dẫn theo nghĩa.

13. Nguyên văn là “quy đồ” tức tranh rùa. Tác giả dùng chữ “quy đồ” để đối với “Nhạn tháp”.

14. Ngao là con rùa biển lớn trong thuyền thuyết. Thời khoa cử thường gọi Trạng nguyên là người độc chiếm đầu ngao.

15. Phạm Trọng Yêm và Phạm Thuần Nhân là cha con, đều là danh thần của triều Tống. Tác giả bài văn này muốn đem cha con Ngô Trí Hòa và Ngô Trí Tri trong khoa này sánh với cha con Phạm Trọng Yêm.

16. Tắc, Tiết là hai vị hiền thần đời Ngu Thuấn.

17. Nguyên văn: thi, quy, là hai vật người xưa dùng để xem bói, học trò thường coi thầy học như mai rùa cỏ thi của mình.

18. Nguyễn Văn Lễ (1605-?) người xã Dương Trai huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hình, tước Vinh Giang nam, Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Vinh Giang tử. Ông là tác giả 4 bài văn bia Tiến sĩ, khoa 1592, khoa 1595, khoa 1604 và khoa 1640.

19. Trịnh Cảnh Thụy (?-?) người xã Chân Bái huyện Yên Định (nay thuộc huyện Thiệu Yên tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thừa chính sứ, tước nam.

20. Ngô Trí Hòa (1565-1626) người xã Lý Trai huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Kỷ huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông là con của Ngô Trí Tri và là cha của Ngô Sĩ Vinh. Ông làm quan Hiệp mưu Tá lý Dực vận Tán trị công thần, Thượng thư Bộ Hộ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thiếu bảo, Phú Xuân hầu và từng đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi mất, ông được tặng tước Xuân Quận công.

21. Ngô Trí Tri (1537-1628) người xã Lý Trai huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Kỷ huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông là cha của Ngô Trí Hòa và ông nội Ngô Sĩ Vinh. Ông làm quan Giám sát Ngự sử.