Bia số 55: Năm Chính Hòa thứ 21 (1700)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÌN NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA NĂM THỨ 21 (1700)

Trời mở vận trung hưng, sao Khuê sáng điềm trị.

Hy Tông Chương hoàng đế kế nối cơ đồ châu ngọc mà dựng ngôi chí tôn, nắm gương trời để giữ quyền trị nước. Thực nhờ Chiêu Tổ Khang vương1 dốc ý tôn phù, một lòng giúp sáng. Phàm quy mô trị bình đều thi hành theo trật tự, mà quy chế kén chọn kẻ sĩ lại càng được lưu tâm. Năm Canh Thìn rồng bay, đúng kỳ mở khoa đại tỉ. Mùa xuân tháng ba xuống chiếu thi Hội cho các Cử nhân trong nước. Đặc sai Hậu hoà quân doanh Phó đốc tướng Thái bảo Tuyên Quận công Trịnh Quán làm Đề điệu, Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Hương Giang tử Nguyễn Quán Nho làm Tri Cống cử, Bồi tụng Hình bộ Tả Thị lang Khánh Sơn nam Nguyễn Thế Bá và Bồi tụng Lễ bộ Hữu Thị lang Thi Khánh nam Hoàng Công Chí làm Giám thí, cùng các quan Khảo thí, Tuần xước và các ty trong ngoài chia giữ các việc.

Bấy giờ người dự thi đông đến trên 2.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Hiệu 19 người. Ngày tháng 5 triệu vào Điện thí, ban cho Nguyễn Đình Ức đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Tạ Đăng Huân 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Toàn 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngày 22 xướng loa gọi tên người thi đỗ, quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Thái học. Sau đó lại ban cho áo mũ phẩm phục, hoa bạc yến Quỳnh, cưỡi ngựa đi xem phố phường, rồi vinh quy quê nhà. Đãi ngộ ưu thưởng, ơn vinh thật rất mực long trọng vậy. Duy việc khắc đá đề danh thì chưa kịp dựng, bởi vì các khoa trước cũng có khoa còn chưa khắc bia.

Đến nay, Hoàng thượng bệ hạ kế thừa đại thống, chấn hưng nền văn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương]2 cùng chung một đức, kính giúp xử lý muôn việc, theo quy chế cũ đến thăm nhà Thái học, nghĩ muốn khôi phục lệ xưa, đối với các khoa chưa khắc bia bèn sai nhất tề khắc dựng. Về khoa Canh Thìn thì sai thần soạn bài ký.

Xét thần văn chương kém cỏi, sao đủ phô trương việc lớn. Nhưng soạn thuật là chức trách của thần, thần đâu dám đến cùng từ chối. Kính cẩn cúi đầu rập dầu dâng lời rằng:

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, được hiền tài thì nước nhà thịnh sáng. Các bậc đế vương xưa nay lựa chọn hiền tài chẳng phải riêng theo một mối. Từ thời trung về sau, tuỳ thời châm chước cho thích nghi, thế rồi bắt đầu đặt ra phép khoa cử. Nhưng phép ấy mà thi hành rất lâu dài, được người nhiều nhất thì không gì bằng khoa thi Tiến sĩ vậy. Nhờ đó nhà nước mới chọn lựa cất dùng hiền tài, kẻ sĩ có bậc thang để bước lên đường công danh sự nghiệp, không ai không do con đường ấy. Vì thế cho nên triều ta đời trước làm đời sau tiếp nối, lúc đầu thì mở ra, về sau bồi đắp, chỉ có khoa thi Tiến sĩ là đầy đủ ý nghĩa. Đó là do đối với khoa cử các triều đều chú ý quan tâm, đặt định lễ nghi chu đáo, có quy chế đề phòng mọi khuất tất mà lại được coi là công việc lớn lao nhất và cần cấp nhất nên mới được như thế chăng?

Sĩ đại phu xuất thân từ khoa cử, được tin dùng long trọng, đãi ngộ đã ưu hậu, lại được khắc họ tên trên đá tốt dựng ở nhà Quốc học, khiến cho mọi người thấy được sự vẻ vang ái mộ, lưu tiếng khen đến vô cùng. Ơn khích lệ khen thưởng như thế có lẽ khó nói hết bằng lời. Vậy thì kẻ sĩ được đề danh vào bia đá này, sự đền đáp phải nên thế nào? Cố nhiên là phải khắc ghi ơn sâu, trau dồi đức hạnh, rèn giũa tiết tháo như giữ ngọc gìn vàng. Khí phách phải trong suốt như băng tuyết, tấu bẩm phải như thuốc đắng đá châm, không xuê xoa dễ dãi; nói bàn phải chắc chắn thẳng ngay, không a dua dựa dẫm, suy nghĩ thì phải lo làm sáng pháp độ hoàng gia. Làm trụ đá cho miếu đường, đặt quốc gia vào chốn vững yên như Thái Sơn bàn thạch, cùng vui với nước cho đến khi sông cạn đá mòn. Như thế thì danh tiếng cùng với bia đá này sẽ thơm truyền mãi mãi không nát vậy. Thảng hoặc có kẻ ngoài cứng trong giòn, trước trinh chính mà sau vẩn đục, danh thực không hợp, lời nói trái ngược việc làm, thì cũng như viên ngọc bị xơ xước, không thể che giấu được, chỉ làm vết nhơ cho bia đá này, há chẳng nên thận trọng hay sao? Há chẳng đáng lấy làm răn hay sao!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm3 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:

NGUYỄN ĐÌNH ỨC 阮廷檍4 người xã NguyệtÁng huyện Thanh Trì.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

TẠ ĐĂNG HUÂN 謝登勳5 người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng.

HỒ PHI TÍCH 胡丕績6 người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu.

ĐINH NHO HOÀN 丁儒完7 người xã An Ấp huyện Hương Sơn.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 15 người:

TRẦN TOÀN 陳璿8 người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm.

NGUYỄN HIỆU 阮傚9 người xã Lan Khê huyện Nông Cống. Hội nguyên.

NGUYỄN QUỐC BẢO 阮國寶10 người xã Chi Nê huyện Chương Đức.

ĐẶNG QUỐC ĐỈNH 鄧國鼎11 người xã Cát Xuyên huyện Hoằng Hóa.

BÙI HỮU NHẪM 裴有恁12 người xã Thanh Tuyền huyện Nam Đường.

NGUYỄN TRUNG QUÁN 阮忠貫13 người xã Cổ Hiền huyện Thượng Phúc.

LÊ HỮU HỶ 黎有喜14 người xã Liêu Xá huyện Đường Hào.

NGUYỄN Y 阮伊15 người xã Chương Tuyền huyện Gia Phúc.

LẠI DUY CHÍ 賴惟志16 người xã Cổ Loa huyện Đông Ngàn.

TRƯƠNG MINH LƯỢNG 張明亮17 người xã Nguyễn Xá huyện Duy Tiên.

NGUYỄN ĐÌNH TƯỚNG 阮廷相18 người xã Sơn Vi huyện Sơn Vi.

NGUYỄN QUỐC QUANG 阮國光19 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.

NGUYỄN CÔNG HÃNG 阮公沆20 người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn.

NGÔ ĐÌNH THẠC 吳廷碩21 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.

NGUYỄN PHẤN 阮奮22 người xã Các Sa huyện Yên Lạc.

Thị nội tuyển Thị nội Thư tả Hộ phiên Tiến công Thứ lang sở sứ, người xã Bái Giao huyện Đông Sơn là Nguyễn Đình Hoàn vâng viết chữ (chân).

Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.

Chú thích:

1. Miếu hiệu của Trịnh Căn.

2. Tước phong của Trịnh Cương năm 1714.

3. Bùi Sĩ Tiêm: Xem chú thích 3, Bia số 40.

4. Nguyễn Đình Ức (1676-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông là con của Nguyễn Đình Trụ và là em Nguyễn Đình Bách. Trước đỗ khoa Sĩ vọng, làm quan Tham chính.

5. Tạ Đăng Huân (1672-1741) người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông là con của Tạ Đăng Vọng và là cha Tạ Đăng Đạo. Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Lễ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang.

6. Hồ Phi Tích (1675-1744) người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Quỳnh Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo.

7. Đinh Nho Hoàn (1671-?) hiệu Mặc Ông,người xã An Ấp huyện Hương Sơn (nay thuộc xã Sơn Thịnh huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Đinh Nho Công, giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Lại, Thượng bảo Tự khanh và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Nhưng dọc đường đi, không may bị lâm bệnh, ông bị mất, được tặng chức Tả Thị lang.

8. Trần Toàn (1663-?) người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm (nay là Nghĩa Đô quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tham chính.

9. Nguyễn Hiệu (1774-1735) người xã Lan Khê huyện Nông Cống (nay thuộc xã Nông Trường huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông là cha của Nguyễn Hoản và giữ các chức quan, như Tá lý công thần, Thượng thư Bộ Lại, Thái phó, tước Nông Quận công.

10. Nguyễn Quốc Bảo (1680-?) người xã Chi Nê huyện Chương Đức (nay thuộc xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.

11. Đặng Quốc Đỉnh (1669-?) người xã Cát Xuyên huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Cát huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sát sứ.

12. Bùi Hữu Nhẫm (1676-1740) người xã Thanh Tuyền huyện Nam Đường (nay thuộc xã Nam Thanh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Cấp sự trung. Sau khi mất, ông được tặng Tham chính.

13. Nguyễn Trung Quán (?-?) người xã Cổ Hiền huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Hiền Giang huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình, tước Tín Trạch bá. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Lễ, tước hầu.

14. Lê Hữu Hỷ (1674-?) người xã Liêu Xá huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là con Lê Hữu Danh, là anh Lê Hữu Mưu và Lê Hữu Kiều. Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

15. Nguyễn Y (1673-?) người xã Chương Tuyền huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Gia Tân huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa chỉ, tước bá.

16. Lại Duy Chí (1673-?) người xã Cổ Loa huyện Đông Ngàn (nay là xã Cổ Loa huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi ông là Lê Duy Chí.

17. Trương Minh Lượng (1636-?) người xã Nguyễn Xá huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Tiên Nội huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Tự khanh.

18. Nguyễn Đình Tướng (1632-?) người xã Sơn Vi huyện Sơn Vi (nay thuộc xã Sơn Vi huyện Lam Thao tỉnh Phú Thọ). Ông giữ các chức quan, như chức Giám sát, Đốc đồng xứ Tuyên Quang, nhưng sau bị bãi chức.

19. Nguyễn Quốc Quang (1676-?) người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tự khanh, Thự Tham chính Nghệ An. Có tài liệu ghi ông đổi tên là Nguyễn Quốc Ánh.

20. Nguyễn Công Hãng (1680-1732) hiệu Tĩnh Amvà tự Thái Thanh , người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Đề hình, Thiêm Đô Ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng, Tả Thị lang Bộ Binh, Nhập thị Bồi tụng, Thượng thư, tước Sóc Quận công, sau thăng Thiếu bảo, kiêm chức Ngự sử đài Chánh chưởng, Thượng thư Bộ Lại, hàm Thái tử Thái phó, sau lại thăng Thái bảo, xếp vào hạng Tá lý công thần và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau do Trịnh Giang nghe lời dèm pha bèn giáng chức điều ông đi làm Thừa chính sứ Tuyên Quang và bắt ép ông phải tự tử.

21. Ngô Đình Thạc (1678-1740) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Binh, Nhập thị Kinh diên, Tham tụng, Thượng thư Bộ Hộ, tước Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) để báo tang vua Lê Dụ Tông. Sau ông được phái làm Trấn thủ xứ Lạng Sơn. Năm 1740, tù trưởng người địa phương là Toản Cơ làm phản, đem quân đến vây đánh Đoàn Thành (trấn thành Lạng Sơn), ông cố giữ thành không chịu khuất phục, bị bọn Toản Cơ bắt và giết. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo.

22. Nguyễn Phấn (1643-?) người xã Các Sa huyện Yên Lạc (nay thuộc xã Trung Kiên huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.

Bia số 54: Năm Chính Hòa thứ 18 (1697)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH SỬU NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA NĂM THỨ 18 (1697)

Trời mến hoàng gia, trung hưng nền trí trị, thần truyền thánh nối, khoa cử thịnh hành.

Kính nghĩ: Hy Tông Chương hoàng đế nắm cơ đồ sẵn có, khôi phục quy mô trị bình. Lúc bấy giờ nhờ có Chiêu Tổ Khang vương1 đem tài năng của bậc thánh, gánh trách nhiệm trọng đại của thiên hạ, một lòng tôn phù, thực thi nhiều phương kế để giữ nền thịnh trị, mở khoa thi lớn chọn hiền tài, ba năm một lần thi Hội. Mùa đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18, bủa lưới cầu hiền, mở trường thi tài kén kẻ sĩ. Bấy giờ các cống sĩ các nơi dồn về như mây hợp, số ứng thí tới 3.000 người. Qua trường bốn, chọn được hạng ưu tú 10 người.

Tháng chạp vào thi Đình, Hoàng thượng đích thân ra bài hỏi về môn học tâm tính của con người.

Hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển lên đọc, Hoàng thượng xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Quyền, Nguyễn Trù đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Quang Huân 8 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Ơn vinh ban cấp theo như phép cũ. Chỉ còn việc khắc bia đề tên thì lúc bấy giờ chưa kịp cử hành. Ý đợi ngày sửa sang làm sáng tỏ nếp cũ, vẻ vang người xưa, tất phải đợi đến ngày nay vậy.

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ kế thừa ngôi cao vô hạn, khôi phục khuôn phép lâu dài. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] mở mang mưu lớn, giáo hóa chuyển dời. Phàm các điển chương chế độ đều chấn chỉnh khuếch trương, làm cho sáng sủa và lớn lao hơn trước. Khi đến thăm nhà Thái học, Vương thượng bèn sai truy dựng các bia Tiến sĩ từ năm Bính Thân về sau để cho khỏi thiếu sót. Lại sai các từ thần chia nhau soạn bài ký để truyền cho đời sau.

Thần giữ chức biên chép, không dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ, cung kính cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Đặt khoa mục cầu tìm hiền tài là cốt để dựng nền thịnh trị, yết khoa danh lưu truyền mãi mãi là để tỏ lòng tôn trọng nền văn. Việc sùng Nho trọng đạo bởi lòng tốt của đấng minh vương, mà vật đủ văn đầy lại là nếp tốt của đời thịnh trị, há phải chỉ để khoe khoang mà thôi đâu. Kìa như quán Đăng Doanh trang hoàng lòe loẹt, đình Hàm Tượng tranh vẽ treo cao, đẹp thì đẹp thật nhưng chỉ có thể trang sức một thời, vẻ vang đời ấy mà thôi. Muốn tìm ra một việc mà từ xưa chưa có để lưu truyền danh thơm tới muôn đời, thì chưa có việc nào tốt đẹp như việc khắc đá đề danh của quốc triều ta.

Kính nghĩ: Thánh Tông Thuần hoàng đế, trong khoảng niên hiệu Hồng Đức, bắt đầu mở mang chế độ, chấn hưng Nho phong, đủ để khuyến khích nhân tài, duy trì giáo hóa, để lại cơ đồ đáng cho đời sau kế thừa. Các đời kế nối, tuân giữ chế độ thành pháp. Bia đá dựng lên, nhân văn càng thêm rực rỡ. Từ khi Trung hưng còn nhiều việc phải làm, nếp cũ chưa kịp chỉnh đốn. Đến đời Thần Tông Uyên hoàng đế, trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức, phục hồi quy tắc chế độ, cổ vũ sĩ khí, làm rạng tỏ công đức của người xưa, mở đường tốt đẹp cho con cháu. Nhưng từ đó lệ cũ lại chưa được thi hành, lần lữa đến nay đã hơn 5 kỷ2Đến nay, Hoàng thượng vẻ vang kế thừa nghiệp lớn, mong muốn mở rộng mưu lược của đời xưa, coi là con đường tốt đẹp để trị nước, lấy tác thành nhân tài làm việc gấp. Bia đá lại dựng, trường học sửa sang, trên để dõi lòng sùng thượng của tổ tông, dưới để dấy chí hăng say của sĩ tử. Chế độ thái bình thịnh vượng lắm thay!

Kẻ sĩ may mắn sinh ra ở đời này, mừng gặp thời sáng, đội ơn tiên triều vẻ vang cất nhắc ngợi khen, nay lại được biểu dương nồng hậu, vậy phải nghĩ đền đáp thế nào? Ắt phải nguyện làm sao cho danh xứng với thực, nghĩ việc trước lo đến việc sau, giữ lòng trung ái, mài rèn đức hạnh liêm sỉ cho bản thân được như Cao, Tiết; vua mình được như Nghiêu, Thuấn. Nếu được như thế thì bia đá này, tên tuổi này càng lâu càng vẻ vang, càng xa càng nức tiếng vậy.

Còn nếu danh thực trái nhau, trước sau sai lệch, lo bon chen ganh ghét, theo thói dua nịnh, lòng chứa những chuyện tham lam nhũng nhiễu, ngậm miệng như bị đóng hàm, làm cho danh tiết bị nhơ bẩn, danh giáo bị ô nhục thì người đời sau tới xem, ắt sẽ chỉ vào tên mà khinh bỉ đức hạnh, công luận nghiêm buốt khó trốn, há chẳng xấu hổ lắm sao?

Thế thì bia đá này dựng lên thật có ý sâu sắc, sẽ làm cho rõ ràng xấu tốt, nêu cao sừng sững trước tai mắt mọi người, mài rèn danh tiết cho sĩ tử, bồi đắp nguyên khí của nước nhà, có quan hệ đến thế đạo, há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự Tá lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Kiều3 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Thịnh Đức thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

NGUYỄN QUYỀN 阮權4 người xã Cổ Linh huyện Gia Lâm.

NGUYỄN TRÙ 阮儔5 người phường Đông Tác huyện Thọ Xương.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

PHẠM QUANG HUÂN 范光勳6 người xã Hoàng Xá huyện Đông Quan.

TÔ THẾ HUY 蘇世輝7 người thôn Bằng Đắng huyện Bạch Hạc.

ĐÀO HOÀNG THỰC 陶黃實8 người xã Thượng Trì huyện Từ Liêm.

NGUYỄN VĨ 阮瑋9 người xã Thạch Thán huyện Yên Sơn.

NGUYỄN XUÂN ĐÀI 阮春臺10 người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì.

ĐỖ VIẾT HỒ 杜曰瑚11 người xã Xuân Phố huyện Lôi Dương.

NGUYỄN CÔNG CƠ 阮公基12 người xã Minh Cảo huyện Từ Liêm.

BÙI ĐĂNG ĐẠT 裴登達13 người xã Bân Xá huyện Thiên Lộc.

Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Tướng sĩ lang Phó sở sứ người xã Phú Thị huyện Gia Lâm là Ngô Bảo vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Chú thích:

1. Miếu hiệu của Trịnh Căn.

2. Tức 60 năm.

3. Nguyễn Kiều: Xem chú thích 1, Bia số 44.

4. Nguyễn Quyền (1665-?) người xã Cổ Linh huyện Gia Lâm (nay thuộc thị trấn Sài Đồng quận Long Biên Tp. Hà Nội). Ông làm quan Lễ khoa Cấp sự trung.

5. Nguyễn Trù (1668-?) tự là Loại Phủ , người phường Đông Tác huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Công, tước Xương Phái hầu. Có tài liệu ghi ông hiệu là Loại Phủ.

6. Phạm Quang Huân (1652-?) người xã Hoàng Xá huyện Đông Quan (nay thuộc xã Đông Phương huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tự khanh. Có tài liệu ghi sau ông đổi tên là Phạm Công Huân.

7. Tô Thế Huy (1666-?) người thôn Bằng Đắng huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Bình Dương huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tả Thị lang, tước Cảo Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), sau bị giáng chức làm Thừa Chánh sứ An Quảng. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công.

8. Đào Hoàng Thực (1670-?) người xã Thượng Trì huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Liên Hồng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Phượng Quận công, rồi về trí sĩ. Sau lại ra làm quan giữ chức Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, được ban hiệu Quốc lão. Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu phó. Sinh thời, ông được Chúa Trịnh tin dùng và thường khen ông là bậc Ngụy Trưng, Lý Giáng (hai Tể tướng đời Đường ở Trung Quốc).

9. Nguyễn Vĩ (1669-?) người xã Thạch Thán huyện Yên Sơn (nay là xã Thạch Thán huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Công khoa Cấp sự trung.

10. Nguyễn Xuân Đài (1670-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Tự khanh, Đốc thị Nghệ An. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công. Có tài liệu ghi ông đổi tên là Nguyễn Công Kiên.

11. Đỗ Viết Hồ (1665-?) người xã Xuân Phố huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tự khanh. Có tài liệu ghi ông là Đỗ Bạch Hồ.

12. Nguyễn Công Cơ (1676-1733) tự Nghĩa Trai , người xã Minh Cảo huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông là ông nội của Nguyễn Huy. Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Binh kiêm Tham tụng Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, sau chuyển sang chức võ, hàm Thiếu bảo, Thự Phủ dự, tước Cảo Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái phó.

13. Bùi Đăng Đạt (1673-?) người xã Bân Xá huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Hồng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Giám sát Ngự sử, quyền Tham chính, Hiến sát sứ xứ Sơn Nam.

Bia số 53: Năm Chính Hòa thứ 15 (1694)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA GIÁP TUẤT NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA NĂM THỨ 15 (1694)

Nguyên khí hội họp thì nhân tài xuất chúng ra đời, nhiều bậc anh tài tuấn kiệt ra giúp thì nền văn nhã thịnh trị lâu dài. Khí số và nhân sự phù hợp với nhau, việc trị nước và nhân tài có tác dụng qua lại, trải bao đời đến nay mới lại được thấy.

Kính nghĩ: Hy Tông Chương hoàng đế sẵn tư chất thông minh rộng lớn, lên ngôi báu chính đại quang minh. Từ khi mới lên ngôi đã dốc chí coi trọng việc văn, thực nhờ [Đại nguyên súy Chưởng quốc chính Thượng sư Thái phụ Đức công Nhân uy Minh thánh Tây vương]1 hết sức tác thành thánh đức. Hoàng thượng ở ngôi 5 năm, xuống chiếu đổi niên hiệu là Chính Hòa, đến nay đã 15 năm. Bấy giờ lại nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng thánh Phụ sư Thịnh công Nhân minh Uy đức Định vương]2 nối chí tiền nhân, lo việc trị nước, vui việc nuôi dưỡng giáo dục nhân tài, ưa chuộng Nho học. Nhân thấy văn chương quan hệ đến thế đạo, mà tác thành nhân tài do ở người trên, bèn xuống chiếu khuyên bảo học trò phải bỏ thói học thuộc chép bài theo nhau, phải rèn tập lối văn lập ý đặt chữ. Văn chương bắt nguồn ở đạo đức, khí khái trọng ở hùng hồn. Bèn vào mùa xuân năm Bính Tuất, sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí mở khoa thi Hội các Cống sĩ trong nước. Các quan Chỉ huy, Thị đề theo thể văn đời Hồng Đức ra bài. Các Cử nhân tới thi cũng dùng thể văn đời Hồng Đức để so đua tài nghệ. Số người dự thi bấy giờ đông đến hơn 2.000 người. Qua trường bốn, quan hữu ti chọn được hạng ưu tú là bọn Ngô Công Trạc 5 người. Qua tháng sau vào Điện thí, đều lấy đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Quan Hồng lô xướng tên, Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Áo mũ cân đai, yến quỳnh hoa bạc, ơn vinh ban theo thứ bậc như lệ cũ. Rồi theo lệ bổ nhậm, được sung vào các chức Giám sát, Hàn lâm v.v…, xếp vào triều ban. Từ đó, chim oanh tung cánh, chim hồng bay xa, trải các chức trong triều ngoài quận, đến nay đã 24 năm. Có người bậc quan tam phẩm mà giữ chức Tả tư ở Bộ Lễ, có người bậc tòng tam phẩm giữ chức Chánh sứ Thừa tuyên, có người giữ chức Thiêm đô ở đài Ngự sử, đều là những chức vụ trọng yếu đắc dụng ở đương thời. Nhưng còn việc dựng đá đề danh chưa kịp cử hành, cũng như các khoa trước và các khoa sau đều chưa được khắc bia, ý có lẽ còn đợi thời.

Đến nay Hoàng thượng để tâm kế nghiệp, gánh trọng trách làm vua làm thầy, mở mang nguồn đạo, lựa dùng người hiền. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] chỉnh đốn trăm việc, vua tôi chung đức. Nhân lúc rảnh rang xa giá ngự thăm nhà Thái học, thấy chế độ rõ ràng, quy mô to lớn, chạnh lòng nghĩ ngợi. Bèn ban dụ chỉ, phàm các khoa Tiến sĩ từ trước tới nay chưa khắc bia thì phải dựng ngay. Bèn sai quan Bộ Công mài đá, từ thần soạn bài ký.

Bọn thần do chức vụ phải làm, không dám viện cớ vụng về nông cạn mà từ chối, kính cẩn dâng lời rằng:

Tên khoa thi Tiến sĩ đã thấy trong sổ sách bàn xét nhân tài ở đời Thành Chu, mà khoa thi Tiến sĩ thì bắt đầu từ đời Tùy, thịnh hành ở đời Đường, Tống, các đời sau cũng đều theo đó. Người cai trị dùng nó làm cách tuyển chọn người hiền, người đi học cũng dùng nó làm bậc thang vinh tiến. Làm quan mà không do con đường khoa mục thì dẫu địa vị cao sang như Phòng Huyền Linh, Diêu Sùng người ta cũng chẳng cho là tốt. Đủ biết Tiến sĩ được đời sùng chuộng đã lâu lắm.

Nước Việt ta về các triều Lý, Trần cũng đã thi hành. Nhưng tùy lúc khi theo khi không, lúc làm lúc bỏ, nhân tài chọn được cũng chẳng bao nhiêu. Nếu muốn tìm một triều đại chuyên tâm việc này, thi hành công bằng, lựa chọn kỹ càng, sắp xếp chặt chẽ thì chưa có triều nào được như quốc triều ta. Hồi mới khai quốc, khoa Tiến sĩ bắt đầu mở vào năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo, đến đời Trung hưng, khoa Tiến sĩ mở lại vào năm Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng. Thánh trước vua sau, điển chương đầy đủ, chế độ rõ ràng, thật là phép tắc tốt đẹp nhất mà được người cũng nhiều nhất. Kẻ sĩ xuất thân từ khoa thi Tiến sĩ làm đến chức vị cao nhất của bậc bề tôi thì mười người cũng được hai ba người; còn liệt vào hàng hiển vinh thì cũng được năm, sáu người. Chính những người ấy tô điểm cho nền trị bình, làm rạng rỡ cho chế độ của vương triều. Cũng chính họ đã giúp vua giúp nước, cứu đời yên dân. Cho nên đề họ tên những vị ấy để tỏ rõ cho đời sau biết, trong sự đề cao biểu dương chẳng phải không có ngụ ý khuyên răn. Thánh Tông Thuần hoàng đế sáng khởi việc ấy, suy nghĩ thật sâu xa làm sao!

Ngày nay phong hóa nhân văn rộng mở, chính sự sáng rõ nêu cao, nhân tài đông đảo. Hoàng thượng đặc biệt nghĩ hiền tài là nguyên khí của quốc gia, chế độ là văn minh của nước nhà. Gấp việc khắc đá đề danh chính để biểu dương việc lớn của Nho khoa, làm vẻ vang đời trước, để lại quy mô tốt cho đời sau, tốt đẹp lắm thay! Ý nghĩa cổ vũ nhân văn, khích lệ sĩ khí thực khó mà nói cho rõ hết.

Vậy kẻ hàn nho gặp được vận lớn, phải nên đền đáp thế nào?

Ắt phải trong sáng đón nhận sự tốt lành, ắt phải một lòng thủy chung lấy đạo đức phò tá bậc nhân chúa, lấy Thi, Thư đem lại ơn trạch cho dân, khí khái phải thẳng ngay, danh tiết phải vàng ngọc, sự nghiệp phải rỡ ràng, tiếng tăm phải thơm ngát, khiến người đời sau xem vào tấm bia này phải chỉ tên mà nói: vị này cương trực trong sạch, vị này liêm chính công bằng, vị này trung với nước, vị này có ơn với dân, vị này tuân giữ phép công, giữ đạo đức, ghét gian tà, được thế là may mắn lắm! Nếu không được thế người ta sẽ nhìn vào mà bảo: kẻ này hèn nhát, kẻ này nham hiểm, kẻ này chỉ lo cho mình, kẻ này dua theo ham muốn của vua, kẻ này là hạng đao kiếm hãnh tiến, kẻ này là hạng tiểu nhân xu nịnh. Lời đánh giá của công luận còn đó, há chẳng nên thận trọng sao?

Than ôi! Sự chính trực trung thành, trong sáng như tấm gương, như đòn cân, đó là sự vẻ vang của bia đá này. Hoặc chìm hoặc nổi, tà vạy tham bẩn, đó là sự hổ thẹn cho bia đá này. Ngàn đời sau đúng sai thiện ác đều còn cả ở đây để người ta trông vào. Than ôi, thật đáng sợ thay!

Thế mới biết bia đá này dựng lên, chẳng những chỉ làm rạng rỡ cho người đương thời được đề danh lên đá mà còn để khuyến khích, khuyên răn người đời sau trông vào, quan hệ đến giáo hóa và hữu ích cho thế đạo, há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự Tá lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Nham3 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:

NGÔ CÔNG TRẠC 吳公擢4 người xã Lý Trai huyện Đông Thành.

PHẠM CÔNG HOÀN 范 公完5 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm.

LÊ ANH TUẤN 黎英俊6 người xã Thanh Mai huyện Tiên Phong.

NGÔ VI NHO 吳為儒7 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.

NGUYỄN DUY VIÊN 阮維垣8 người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm.

Thị nội tuyển Thị nội Thư tả Hộ phiên Tiến công Thứ lang sở sứ, người xã Bái Giao huyện Đông Sơn là Nguyễn Đình Hoàn vâng viết chữ (chân).

Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.

Chú thích:

1. Tước hiệu của vua Lê Huyền Tông phong cho Trịnh Tạc.

2. Tước hiệu của vua Lê Hy Tông phong cho Trịnh Căn.

3. Nguyễn Nham: Xem chú thích 1, Bia số 43.

4. Ngô Công Trạc (1662-?) người xã Lý Trai huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Kỷ huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông là cháu nội Ngô Sĩ Vinh, anh của Ngô Hưng Giáo. Ông làm quan Hiến sát sứ.

5. Phạm Công Hoàn (1662-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông là anh Phạm Quang Dung và làm quan Thừa chính sứ. Sau khi mất, ông được tặng Hữu Thị lang Bộ Công. Có tài liệu ghi ông là Phạm Quang Hoàn hoặc ghi là Phạm Quang Trạch.

6. Lê Anh Tuấn (1671-1734) hiệu là Địch Hiên , người xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong (nay thuộc xã Vạn Thắng huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như: Tả Thị lang Bộ Hộ, Nhập thị Kinh diên, rồi thăng Thượng thư Bộ Hình, Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Hộ, Thái tử Thái bảo, tước Điện Quận công. Sau này, ông không được chúa Trịnh Giang tin dùng, bị điều đi làm Đốc trấn ở Lạng Sơn và Thái Nguyên, rồi bị giáng làm Thừa chính Lạng Sơn và bị chúa buộc phải tự tử.

7. Ngô Vi Nho (1659-?) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông trước đỗ khoa Sĩ vọng, làm quan Giám sát.

8. Nguyễn Duy Viên (1662-?) người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm (nay là xã Kim Sơn huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là con của Nguyễn Mậu Tài, là chú Nguyễn Mậu Thịnh và Nguyễn Khiêm Ích. Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công.

Bia số 52: Năm Chính Hòa thứ 12 (1691)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA TÂN MÙI NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA NĂM THỨ 12 (1691)

Kính nghĩ: Quốc triều vận hội hanh thông, nhân văn sáng rỡ.

Hy Tông Chương hoàng đế thiên tư thông tuệ, kế nghiệp tiên đế. Lúc mới lên ngôi, thực nhờ Hoằng Tổ Dương vương tôn phù kính giúp, tác thành công lao cho bậc thánh vương, thận trọng lo toan mọi việc. Lại nhờ Chiêu Tổ Khang vương gắng sức sửa sang, đứng một bên mà giúp mở cuộc thái bình thịnh trị. Phép xưa lệ cũ tiếp nối không quên.

Bèn vào tháng 3 mùa xuân năm Tân Mùi mở khoa thi Hội. Đặc sai Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí và các quan hữu ty chia giữ các việc. Bấy giờ các cống sĩ trong nước tới tranh đua tài nghệ đông đến 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc 11 người.

Đến ngày mồng 3 tháng 5 vào Điện thí, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Ngô Vi Thực 3 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Đào Hiển 8 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ngày mồng 6 gọi loa xướng tên người đỗ. Bộ Lễ rước bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học. Ơn vinh ban cấp theo thứ bậc đúng theo lệ cũ. Chỉ còn việc dựng đá đề danh thì chưa kịp cử hành, đó là có ý chờ thời để khuếch trương chăng?

Kính nghĩ: Hoàng thượng nối giữ cơ đồ lớn lao, noi theo nghiệp cả, chỉnh đốn sửa sang mọi việc, thanh giáo vang xa bốn cõi. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư thượng An vương] vua tôi đồng lòng, muôn việc thứ lớp chỉnh đốn, chế độ rõ ràng, văn vật sáng tỏ. Đến như việc sùng Nho trọng đạo lại càng lưu tâm. Chúa thượng đến bái yết trường giám, xem hết bia Tiến sĩ các triều trước, cảm khái tấm tắc ca ngợi. Thấy các khoa thi Tiến sĩ từ năm Bính Thân về sau chưa có bia, bèn sai khắc dựng để chấn hưng quy chế cũ. Lại sai từ thần chia nhau soạn bài ký để ghi sự thực.

Thần kính vâng lời ngọc, chúc mừng cho hàng Nho, đâu dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Khoa mục là cách của quốc gia kén chọn kẻ sĩ, mà khoa Tiến sĩ là quan trọng nhất. Từng khảo cứu thấy tên Tiến sĩ bắt đầu có từ đời Thành Chu, mà khoa thi Tiến sĩ thì bắt đầu mở ra từ đời Tùy, thịnh hành ở đời Đường, Tống. Ơn thưởng đãi ngộ, nghi lễ đủ đầy, thực là vẻ vang hết mức cho hạng khoa giáp. Nhưng để tỏ ý khích lệ ngợi khen, cả lễ văn đều chu đáo thì còn việc khắc bia, truyền lại tiếng thơm cho muôn đời thì quả thật chưa từng thấy vậy.

Kính nghĩ: Quốc triều ta như ngọc sáng giữa ban trưa, được mệnh trời ban ngọc lịch, mở nghiệp lớn giữ gìn thành pháp, kế thừa mưu lược hiển hách của liệt thánh, lấy đức nhân hậu mà vun đắp mệnh mạch quốc gia, lấy học thuật Nho gia mà tô điểm nền thái bình. Nuôi dưỡng tác thành nhân tài, kiếm tìm hiền sĩ. Sáu năm mở một khoa bắt đầu từ khoa Đại Bảo (1442) mà việc kén chọn hiền tài có phép cách. Ba năm một khoa thì bắt đầu từ đời Quang Thuận mà nhân tài theo gió đến thêm đông. Đến đời Hồng Đức cho tạc đá khắc bia trước nhà Quốc học, cả nghi thức và lễ văn thật là đầy đủ. Rạng rỡ tinh hoa văn trị, chấn tác chí khí học trò, bồi đắp phong hóa ức muôn năm, còn gì có thể hơn thế nữa!

Từ đời Trung hưng về sau, gói buộc việc võ, mở rộng việc văn, kế thừa quy tắc chế độ cũ, khoa mục công cụ kén chọn hiền tài càng được khuếch trương, lệ khắc đá đề danh càng thêm đầy đủ, quy mô to lớn càng được lưu truyền đến vô cùng.

Nay thánh đế thánh vương tương ngộ, chăm lo trị nước, quý trọng Nho gia, tô điểm nhân văn, chạnh nhớ công lao của bề tôi đời trước, muốn nêu tên họ để biểu dương, bèn sai khắc bia những khoa còn thiếu để rạng tỏ sự tốt đẹp của đời, khuyến khích lớp hậu học hăng hái vươn lên, thật là một sự kiện rất trọng đại.

Từ chỗ hàn vi đạt tới vinh hạnh này, kẻ sĩ phải nên báo đáp thế nào? Hoặc lặng lẽ mà dâng mưu hay như ngọc báu, hoặc khảng khái bày tỏ tâm can; theo hầu trong cung phải giúp đức cho vua, giúp ơn cho dân; trấn nhậm một phương phải làm bình phong phên dậu. Người giữ chức cao phải đem khả năng bàn nói để hết chức phận can gián của mình, ngõ hầu trên không phụ ơn vua, dưới không thẹn với hàng khoa mục mà công danh sự nghiệp đời đời không mất vậy.

Nếu không được thế thì ngọc xước khó mài, vết nhơ khôn giấu, người đời sau chỉ trích chê cười, há chẳng nên thận trọng sao? Như thế thì bia đá này dựng lên không phải để xem cho đẹp, phô trương thịnh sự mà thôi, mà còn bồi đắp thế đạo đến vô cùng, công dụng há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Dương Bật Trạc1 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày mồng 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

NGÔ VI THỰC 吳為實2 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.

NGUYỄN MẠI 阮邁3 người xã Ninh Xá huyện Chí Linh.

NGUYỄN HỮU ĐẠO 阮有道4 người xã Quỳ Lăng huyện Đông Thành.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

ĐÀO QUỐC HIỂN 陶國顯5 người xã Phù Ninh huyện Đông Ngàn.

LÊ KHẢ TÔNG 黎珂琮6 người xã Trân Táo huyện Gia Lâm.

TRẦN DANH ĐỐNG 陳名棟7 người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn.

ĐỒNG BỈNH DO 同秉猶8 người xã Triền Dương huyện Chí Linh.

NGUYỄN MẬU THỊNH 阮茂盛9 người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm.

VŨ CÔNG ĐẠT 武公達10 người xã Thì Cử huyện Đường An.

MAI THỤY 梅瑞11 người xã Lạc Sơn huyện Chí Linh.

NGUYỄN QUANG HẠO 阮光皓12 người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh.

Thư tả Công văn phiên, người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai là Trịnh Thế Khoa vâng sắc viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Chú thích:

1. Dương Bật Trạc: Xem chú thích 1, Bia số 42.

2. Ngô Vi Thực (1663-?) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Lễ khoa Cấp sự trung, được cử đi đốc chiến ở Cao Bằng và chết trận. Sau khi mất, ông được tặng chức Lễ khoa Đô Cấp sự trung.

3. Nguyễn Mại (1655-?) người xã Ninh Xá huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lễ, sau vâng mệnh trấn thủ Sơn Tây, ban tước nam và được cử đi sứ. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lễ, tước Quận công. Sau này cháu nội là Nguyễn Cứ, Nguyễn Tuyển làm phản nên bị tru di.

4. Nguyễn Hữu Đạo (1659-?) người xã Qùy Lăng huyện Đông Thành (nay thuộc xã Lãng Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An). Trước đỗ khoa Sĩ vọng, sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

5. Đào Quốc Hiển (1657-?) người xã Phù Ninh huyện Đông Ngàn (nay là xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình, tước tử và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng tước bá. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Quốc Hiển.

6. Lê Khả Tông (1659-?) người xã Trân Tảo huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình, tước tử và được cử đi sứ. Khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Công, tước bá.

7. Trần Danh Đống (1656-?) người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Lại khoa Cấp sự trung. Có tài liệu ghi ông là Trần Văn Lương.

8. Đồng Bỉnh Do (1647-?) người xã Triền Dương huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là con Đồng Tôn Trạch, làm quan Tham chính.

9. Nguyễn Mậu Thịnh (1668-?) người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm (nay là xã Kim Sơn huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là cháu nội Nguyễn Mậu Tài và là anh Nguyễn Khiêm Ích. Ông làm quan Phó Đô Ngự sử, tước nam và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Hộ.

10. Vũ Công Đạt (1663-?) người xã Thì Cử huyện Đường An (nay thuộc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm đến Tham chính.

11. Mai Thụy (1667-?) người xã Lạc Sơn huyện Chí Linh (nay thuộc xã An Lạc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính.

12. Nguyễn Quang Hạo (1661-?) người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh (nay thuộc xã Văn An huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là con của Nguyễn Quang Hoàn và là anh Nguyễn Quang Dương. Ông làm quan Tham chính. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Nguyễn Công Hạo.

Bia số 51: Năm Chính Hòa thứ 9 (1688)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA NĂM THỨ 9 (1688)

Các khoa Tiến sĩ từ đầu quốc triều, nguyên trước chưa có lệ khắc bia. Thánh Tông Thuần hoàng đế thiên tư cao rộng, thánh học sáng láng, kế thừa cơ đồ lớn lao do tổ tông sáng nghiệp truyền lại, noi khuôn mẫu tốt đẹp cầu tìm nhân tài, định lệ 3 năm mở một khoa thi. Người đỗ đạt đã có sách ghi, đề danh có bia đá, chính là để mở rộng giáo hóa tựa diều bay trong thơ Hạn lộc1, như bên sông Phong2 sâu nghĩ mưu lành cho con cháu dùng mãi không cùng. Từ đó thánh đế hiền thần nối tiếp, tuân thủ qui chế đã lập thành. Chẳng ngờ gặp cơn ách hoạn, hung ác tiếm quyền, chính là lúc trời mở vận trung hưng, sự nghiệp công danh càng như vầng dương sáng tỏ.

Đến đời Hy Tông Chương hoàng đế, thu hồi đất cũ, vỗ trị muôn phương, trước nhờ Hoằng Tổ Dương vương ra sức tôn phù, sau lại nhờ Chiêu Tổ Khang vương giúp công nung đúc, nối vận hội thái bình liên tiếp, để tâm xem xét mọi việc rất mực sáng suốt. Buổi bấy giờ, hiền tài nối gót, muôn việc tuần tự thi hành. Nhưng Thánh thượng vẫn dậy sớm thức khuya, chiếu bên vẫn bỏ trống để đón chờ hiền sĩ. Tháng 11 mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 9 thi Hội, các cống sĩ trong nước dựng trường thi ở bãi giữa sông Nhị Hà, vì mùa đông quá lạnh, muốn để cho các viên chấp sự và các cử nhân được thuận tiện3. Sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí và các quan trong ngoài chia giữ các việc. Cân nhắc lựa chọn, lấy trúng cách được 7 người. Sang tháng sau, triệu vào thi Đình. Ban cho Nguyễn Đình Hoàn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hồ 6 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Yết bảng vàng trước cửa nhà Thái học. áo mũ phẩm phục, yến Quỳnh, hoa bạc, thứ bậc ơn vinh nhất nhất theo lệ cũ. Thịnh tâm yêu mến hiền tài, sùng chuộng văn nhã thật là chu đáo. Duy có lệ dựng đá đề danh thì chưa kịp cử hành, có lẽ tấm lòng kế chí thuật sự hãy còn đợi thời đó chăng?

Kính nghĩ: Hoàng thượng như vầng dương trời Nam rọi tỏ bốn phương, càn kiện làm yên sáu cõi, đặt mực thước chốn cửu trùng, tỏa văn mệnh khắp bốn bể. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] chấn tác Nho phong, sửa sang chính sự sáng tỏ như vầng dương ngày tạnh, phương sách giáo dưỡng tác thành như hòa khí xuân phong. Riêng thịnh tâm cầu tìm giáo hóa trí trị thì sớm tối mong mỏi, thịnh ý tôn Nho trọng đạo không lúc quên khuây. Bèn vào mùa Đông năm Ất Mùi, Thánh thượng xa giá đến nhà Thái học làm lễ thích điện. Nhìn cung tường thâm nghiêm, xem bi ký các triều trước, thấy bia các khoa thi Tiến sĩ từ năm Thịnh Đức thứ 6 về sau còn thiếu. Bèn sai quan đại thần soạn tập, giao cho quan Bộ Công tạc đá, từ thần soạn bài ký để khắc bia. Thần đối với việc này, thấy Thánh thượng đức lớn chuộng văn, thịnh tâm biểu dương khích lệ nhân tài, lòng hiếu kính muốn tiếp nối để rạng ngời đời trước, làm giàu đức nhân cho đời sau.

Huống chi khoa này hiện đang còn mấy người làm quan tại triều, giúp công việc cho quốc gia: một người ở Bộ Lại, hai người ở Bộ Hình, mấy vị đang chấp chính ở cõi ngoài, sự nghiệp tương lai của họ tin chắc sẽ chói rạng trong sử sách; ngoài ra những người khác thì công phu học vấn, chính tích trong cuộc đời làm quan vẫn được nhiều người nhắc nhở, há lẽ để cho thanh danh của họ cũng như làn khói mỏng manh tan mất trước cơn gió mạnh hay sao?

Cho nên bia đá này dựng lên chính là trong sự biểu dương khen ngợi có ngụ ý khuyên răn, khích lệ lòng liêm sỉ đối với muôn ngàn đời, vì muốn bậc bề tôi văn học lưu lại danh thơm tiếng tốt. Người đi học đi thi sẽ đếm tên từng người để mà noi theo cho bằng, đua nhau làm kẻ Nho quân tử, khuyên nhau gắng sức giúp thánh đế thánh vương. Như thế thì ngôi báu và cơ đồ mới thêm bền vững, muôn vạn năm được hoàng thiên phù hộ, há chẳng phải do việc ngợi khen sùng trọng ngày nay ư?

Bọn thần giữ chức soạn thảo nhuận sắc, nay tuân vâng lời ngọc, kính cẩn cúi đầu rập đầu mà dâng lời như trên.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Tri Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Nguyễn Quý Ân4 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

NGUYỄN ĐÌNH HOÀN 阮廷完5 người phường Bái Ân huyện Quảng Đức.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 6 người:

NGUYỄN HỒ 阮湖6 người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn.

NGUYỄN HÀNH 阮洐7 người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang.

NGUYỄN QUỐC CƯƠNG 阮國綱8 người xã Bình Lục huyện Yên Phong.

NGÔ TUẤN DỊ 吳俊異9 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.

NGUYỄN ĐÌNH TUẤN 阮廷峻10 người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh.

HÀ TÔNG MỤC 何宗穆11 người xã Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc.

Thị nội Thư tả Hộ phiên Tiến công Thứ lang Huyện thừa, người xã Hoa Đường huyện Đường An Phạm Toàn vâng viết chân.

Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái thừa Cẩn sự lang Quang Hiếu điện Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.

Chú thích:

1. Hạn lộc: một bài thơ trong Kinh Thi: ” Diên phi lệ thiên, ngư dược vu uyên, khải đễ quân tử, hà bất tác nhân” Trời cao diều bay, vực sâu cá nhảy; quân tử gần dân, sao không tác thành cho quốc nhân? (Thi, Đại nhã, Hạn lộc). Bài thơ ca ngợi bậc quân tử có đức, chăm lo bồi dưỡng nhân tài.

2. Nguyên văn: “Thâm Phong thủy yến dực chi mưu”, dùng điển thơ Kinh Thi: “Phong thủy hữu dĩ, Vũ vương khải bất sĩ, di quyết tôn mưu, dĩ yến dực tử ” Bờ sông Phong rau cần dài tốt, Vũ vương sao không cúng tế, để mưu lược cho cháu chắt, để yên giúp cho các con (Thi, Đại nhã, Văn Vương hữu thanh).

3. Khoa này dựng trường thi ở bãi giữa (trung sa) sông Hồng, sử sách chỉ thấy Lịch triều tạp kỷ có chép sơ qua: “Tháng 11 mở khoa thi Hội thi các cử nhân suốt cả nước. Trường thi làm ở trên bãi cát bên sông Nhị Hà…”. Đoạn văn trên đây chưa rõ tại sao nói vì mùa đông lạnh, dựng trường thi ở bãi giữa để thuận tiện cho các viên chấp sự và các cử nhân?

4. Nguyễn Quý Ân: Xem chú thích 4, Bia số 41.

5. Nguyễn Đình Hoàn (1661-?) người phường Bái Ân huyện Quảng Đức (nay là phường Bưởi quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang, tước Ân Hải hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh, tước Quận công.

6. Nguyễn Hồ (1644-?) người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Khê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là chú Nguyễn Trọng Đột, làm quan Tham chính xứ Thanh Hóa.

7. Nguyễn Hành (1656-?) người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Thân Tuyền, cháu nội của Thân Khuê và là con nuôi Nguyễn Tính (nên lấy theo họ của cha nuôi). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước tử và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công.

8. Nguyễn Quốc Cương (1662-?) người xã Bình Lục huyện Yên Phong (nay thuộc xã Thụy Hòa huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm quan Tri huyện, sau làm quan Tự khanh và đổi là Nguyễn Quốc Vỹ.

9. Ngô Tuấn Dị (1655-?) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo.

10. Nguyễn Đình Tuấn (1661-?) người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh (nay thuộc xã Văn An huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa chỉ, về trí sĩ.

11. Hà Tông Mục (1653-?) người xã Tinh Thạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Hậu Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như làm quan Kinh lược đi kiểm tra công việc ở xứ Tuyên Quang, thăng chức Tự khanh, Bồi tụng kiêm Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Biên tu Quốc sử quán, Tả Thị lang Bộ Hình, tước nam và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Hộ, tước tử. Sau này, một số tài liệu ghi là Hà Tôn Mục vì kiêng huý đời Nguyễn.