Cảm ơn công lao của Viện Hán Nôm

Cảm ơn công lao sưu tầm, dịch và chia sẻ nội dung các tấm bia tiến sỹ trong Văn Miếu Quốc tử Giám, Hà Nội.

Các bài post trên blog này sử dụng nguồn của Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam (www.hanom.org.vn)

Bia số 82: Năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ HỢI NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 40 (1779)

己亥盛科進士碑記

歲己亥皇帝御極之四十年乾健太和恒貞久道寔賴大元帥總國政師上尚父睿斷文功武德靖王笙鏞治化陶治人才是冬特開盛科會試天下貢士子五龍楼命國舅副首後威奇副該官提督炎郡公臣阮仲炎提調入侍行参從刑部右侍郎署吏部右侍郎兼國子監司業泗川侯臣潘仲藩知貢舉添差府僚知工番翰林院侍講臣阮惟宏添差府僚知戶番翰林院校理臣楊仲謙監試取四場合格范阮攸等十五名

庚子春殿試次日奉王上御府堂親策命入侍行参從兵部左侍郎署吏部左侍郎兼國子監祭酒蓮溪侯臣武綿掌卷特命

臣藩閱卷欽賜黎輝瓚范阮攸等並進士出身范貴適潘煇温等並同進士出身有差仍命冬官立石題名于太學詞臣撰文臣藩叩掌絲綸仰見皇帝與王上一德恭孚籲俊盛心掄材曠典預茲選者亦稱得人謹拜稽首恭紀其實用彰皇朝譽髦思皇之盛垂諸無窮臣謹記

Năm Kỷ Hợi, Hoàng đế ở ngôi chẵn 40 năm, long thể an khang vui mạnh, hằng chính đạo thường. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] sửa sang trị giáo, đào tạo nhân tài. Mùa đông năm ấy, đặc biệt mở khoa thi Hội cho các Cống sĩ trong nước tại lầu Ngũ Long. Sai Quốc cữu Phó Thủ hiệu Hậu uy cơ Phó cai quan Đề đốc Viêm Quận công Nguyễn Trọng Viêm làm Đề điệu, Nhập thị hành Tham tụng Hình bộ Tả Thị lang Thự Lại bộ Hữu Thị lang kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên làm Tri Cống cử, Thiêm sai Phủ liêu Tri Công phiên Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Duy Hoành, Thiêm sai Phủ liêu Tri Hộ phiên Hàn lâm viện Hiệu lý Dương Trọng Khiêm làm Giám thí. Lấy trúng cách tứ trường là bọn Phạm Nguyễn Du 15 người.

Mùa xuân năm Canh Tý vào Điện thí. Ngày hôm sau, Vương thượng ngự tới phủ đường đích thân ra đề thi văn sách. Sai nhập thị hành Tham tụng Binh bộ Tả Thị lang Thự Lại bộ Tả Thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu Liên Khê hầu Vũ Miên giữ quyển, bề tôi là Phiên duyệt quyển. Ban cho bọn Lê Huy Trâm, Phạm Nguyễn Du đều đỗ Tiến sĩ xuất thân, đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai Bộ Công khắc đá đề tên dựng tại nhà Thái học, sai từ thần soạn văn bia.

Thần là (Phan Trọng) Phiên cúi đầu cầm bút, ngước trông Hoàng thượng, Vương thượng cùng chung một đức, thịnh tâm rộng mở, đặc cách lựa chọn nhân tài, xưa nay chưa từng có tiền lệ. Những người trúng tuyển khoa này cũng xứng đáng được khen là đắc nhân. Kính cẩn cúi đầu rập đầu ghi chép sự việc để nêu rõ thịnh sự thánh triều chọn lựa được nhiều nhân tài, lưu truyền đến vô cùng.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

LÊ HUY TRÂM 黎 輝 簪1 người xã Bối Khê huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 38 tuổi.

PHẠM NGUYỄN DU 范 阮 攸2 người xã Đặng Điền huyện Chân Phúc phủ Đức Quang Nghệ An, Đầu xứ, Văn chức, đỗ kỳ thi Tứ trọng, các bài thi do vua ra bài đều đỗ đầu, được vào hầu giảng hàng ngày, từng được bổ chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo, kiêm Quốc sử Toản tu, thi đỗ năm 40 tuổi. Trường hai, trường bốn và ứng chế đều đỗ đầu.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 13 người:

PHẠM QUÝ THÍCH 范 貴 適3 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương phủ Phụng Thiên, nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An phủ Thượng Hồng, Thiếu tuấn, đỗ thứ 2, Bộ Lễ, đỗ năm 20 tuổi.

HOÀNG QUỐC TRÂN 黃 國 珍4 người xã Nam Chân huyện Nam Chân phủ Thiên Trường trấn Sơn Nam, Giám sinh, thi ở Bộ Lễ và thi Chế đều đỗ thứ 3, đỗ năm 29 tuổi.

NGUYỄN HUY QUÂN 阮 輝 鈞5 người xã Thanh Khê huyện Văn Giang phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Giám sinh, đỗ năm 26 tuổi.

NGUYỄN HÀN 阮 翰6 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Huấn đạo, đỗ năm 33 tuổi.

NGUYỄN ĐÌNH THIỀU 阮 廷 韶7 người xã Phù Cảo huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 33 tuổi.

NGUYỄN ĐÌNH THẠC 阮 廷 碩8 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Nho sinh trúng thức, Đầu xứ, đỗ năm 26 tuổi.

LÊ ĐĂNG CỬ 黎 登 舉9 người xã La Khê huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Giám sinh, đỗ năm 40 tuổi.

NGUYỄN KIÊM 阮 兼10 người xã Tây Đam huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Giám sinh, đỗ năm 29 tuổi, sau đổi tên Huy Đảng.

VŨ DI LƯỢNG 武 夤 亮11 người xã Yên Thái huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên, Huấn đạo, đỗ năm 34 tuổi, thi Hội đỗ thứ 3.

TRẦN HUY LIỄN 陳 輝 璉12 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Huấn đạo, đỗ năm 45 tuổi, Khoa trưởng.

NGÔ TIÊM 吳 暹13 người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam, Sinh đồ, đỗ năm 31 tuổi.

NGUYỄN ĐƯỜNG 阮 堂14 người xã Trung Cần huyện Thanh Chương phủ Đức Quang trấn Nghệ An, đỗ Tứ trọng, Huấn đạo, Ứng chế đỗ thứ 2, Thế khoa, chú cháu đồng triều, thi đỗ năm 34 tuổi.

PHAN HUY ÔN 潘 輝 溫15 người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang trấn Nghệ An, Nho sinh trúng thức, Đầu xứ, cha con anh em đồng triều, thi đỗ năm 26 tuổi.

Bia dựng ngày tốt tháng giữa đông năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 (1780).

Đinh Sửu khoa đồng Tiến sĩ xuất thân Thiếu tuấn Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị Kinh diên Tri Quốc tử giám, Tri Đông các Tri Hàn lâm viện phụng quản Thị hậu nghiêm hậu đội Hộ bộ Tả Thị lang Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên vâng sắc soạn.

Chú thích:

1. Lê Huy Trâm (1742-?) người xã Bối Khê huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tam Hưng huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Thời Lê, ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc. Thời Nguyễn, được bổ chức Học sĩ và Đốc đồng xứ Kinh Bắc.

2. Phạm Nguyễn Du (1740-1786) hiệu Thạch Động , tự là Hiếu Đức và Dưỡng Hiên , người xã Đặng Điền huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo kiêm Quốc sử Toản tu, Đốc đồng Nghệ An. Thời Tây Sơn, ông đến vùng núi huyện Thanh Chương ở. Ông còn có tên là Phạm Vĩ Khiêm.

3. Phạm Quý Thích (1759-1825) hiệu là Lập Trai Thảo ĐườngHoa Đường và tự là Dữ Đạo , người xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú quán ở phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Thời Lê, ông làm quan Thiêm sai Tri Công phiên, Đông các Hiệu thư. Thời Tây Sơn, ông đi ở ẩn. Thời Gia Long, ông được bổ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu. Sau ông cáo quan về quê nghỉ.

4. Hoàng Quốc Trân (1751-?) người xã Nam Chân huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Đồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ Kinh Bắc.

5. Nguyễn Huy Quân (1744-?) người xã Thanh Khê huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ.

6. Nguyễn Hàn (1747-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Đãi chế, Đốc đồng Cao Bằng. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Hấp.

7. Nguyễn Đình Thiều (1747-?) người xã Phù Cảo huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng Sơn Tây. Khi nhà Lê mất, ông về quê ở ẩn.

8. Nguyễn Đình Thạc (1754-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Thị giảng. Khi nhà Lê mất, ông đi đâu không rõ tung tích. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Công Thạc.

9. Lê Đăng Cử (1740-?) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Văn Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, Đốc đồng Thái Nguyên.

10. Nguyễn Kiêm (1751-1817) người xã Tây Thiềm huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Tây Tựu huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng Tuyên Quang, Học sĩ, tước hầu, rồi thăng Đốc học Sơn Nam. Sau ông đổi tên là Nguyễn Huy Đảng.

11. Vũ Di Lượng (1746-?) người phường Yên Thái huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Bưởi quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo, Đốc đồng Sơn Tây. Có tài liệu ghi ông là Vũ Dần Lượng.

12. Trần Huy Liễn (1735-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ, Thự Tham chính Hải Dương.

13. Ngô Tiêm (1749-1818) người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh (nay thuộc xã Yên Tiến huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng kiêm Đốc trấn Lạng Sơn, Thái Hòa điện Học sĩ, tước Mỹ Phái hầu. Sau về quê dạy học.

14. Nguyễn Đường (1746-?) người xã Trung Cần huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Trung huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).

15. Phan Huy Ôn (1755-1786) hiệu là Chỉ Am, Nhã Hiên và tự là Hoà Phủ, Trọng Dương, người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Phan Cận (tức Phan Huy Áng), em Phan Huy Ích. Ông giữ các chức quan, như quan Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm Thị chế, Tham đồng đê lĩnh, Thiêm sai Tri Công phiên, tước Mỹ Xuyên bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Hàn lâm Thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu.

Bia số 81: Năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU TUẤT NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 39 (1778)

Nước nhà hưởng thái bình trường cửu, văn vận đại hanh thông.

Hoàng thượng kế thừa mưu lược rộng xa, thụ hưởng phúc lành to lớn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] chấn chỉnh đất trời, mở rộng trị bình giáo hoá. Mùa xuân năm Mậu Tuất thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Phó Đô tướng Thự Phủ sự Thiếu phó Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Nhập thị hành Tham tụng Binh bộ Tả Thị lang Liên Khê hầu Vũ Miên làm Tri Cống cử, Đông các Học sĩ Phạm Bá Ưng quyền Giám thí.

Qua bốn trường lấy bọn Ninh Tốn 4 người trúng cách. Sang tháng sau Điện thí, ban cho bọn Nguyễn Duân đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc tên vào bia đá để lưu truyền bất hủ.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 4 người:

NGUYỄN DUÂN 阮 昀1 người xã Phật Tích huyện Tiên Du. Đỗ Tứ trọng2 khoa Mậu Tý, Tham nghị, thi đỗ năm 43 tuổi, Khoa trưởng.

CHU DOÃN MẠI 朱 允 勱3 người xã Dục Tú huyện Đông Ngàn, Tri huyện, thi đỗ năm 39 tuổi.

PHẠM TRỌNG HUYẾN 范 仲 烜4 người xã Dũng Quyến huyện Ý Yên, đỗ năm 33 tuổi, Thiếu tuấn.

NINH TỐN 寧 遜5 người xã Côi Trì huyện Yên Mô, đỗ Tứ trọng năm Canh Dần, năm Ất Mùi tiến triều, được bổ chức Thiêm sai Tri Công phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo kiêm Quốc sử Toản tu, thi đỗ năm 35 tuổi, Hội nguyên.

Bia dựng ngày đầu tháng mùa xuân năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 (1780).

Tiến sĩ khoa Quý Hợi, Hữu tư giảng Tham tụng quốc lão Phụ đức công thần Thượng thư Bộ Lại kiêm Tri Đông các, trí sĩ khởi phục thái tể Viện Quận công Nguyễn Hoản6 vâng sắc soạn.

Chú thích:

1. Nguyễn Duân (1736-?) người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là cháu nội Nguyễn ĐứcÁnh, con Nguyễn Đức Vĩ và làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng Kinh Bắc.

2. Tứ trọng: Ở Quốc tử giám mỗi tháng học quan cho thi một kỳ “Tiểu tập” để khảo hạch các học trò, tháng giữa quý quan giám khảo cho thi “Đại tập” để khảo các học trò. Ai thi bốn kỳ đều trúng tuyển, gọi là đỗ “Tứ trọng”, được giám khảo đứng ra bảo cử thì được Bộ Lại bổ dụng.

3. Chu Doãn Mại (1740-?) người xã Dục Tú huyện Đông Ngàn (nay là xã Dục Tú huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Quốc tử giám Tuỳ giảng, Đông các Hiệu thư. Nhà Lê mất, ông không làm quan với Tây Sơn. Có tài liệu ghi ông là Chu Doãn Lệ.

4. Phạm Trọng Huyến (1746-?) người xã Dũng Quyết huyện Ý Yên (nay thuộc xã Yên Phú huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Tri Hộ phiên, Hàn lâm Thị thư.

5. Ninh Tốn (1744-1790) hiệu Chuyết Am, Mẫn Hiên, Chuyết Am Cư Sỹ, Song Am Cư Sĩ và tự là Hy Chí, Khiêm Như, người xã Côi Trì huyện Yên Mô (nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình). Ông trước khi thi đỗ đã được tuyển dụng làm quan tại triều, giữ chức Hiệu thảo Thiêm sai Tri Công phiên. Sau giữ các chức Tri Binh phiên phụng Tá quân hải lộ, Tri Binh kiêm Toản tu Quốc sử, Quốc luật, Đông các Đại học sĩ, Thự Hữu Thị lang Bộ Hình, Hiệp trấn đạo Thuận Quảng, Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng Tham tán quân vụ. Thời Tây Sơn, ông giữ các chức Hàn lâm Trực học sĩ, Thượng thư Bộ Binh, tước Trường Nguyên bá.

6. Nguyễn Hoản: Xem chú thích 6, Bia số 69.

Bia số 80: Năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ẤT MÙI NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 36 (1775)

景興三十六年己未科進士題名碑

今瑤圖磐奠文運奎開欽奉皇上陛下體乾元成恒化寔賴大元帥總國政師上尚父睿斷文功武德靖王綱維治教兔采人才乙未孟冬會試命副將都督僉事桂郡公鄭逢題調戶部右侍郎行吏部左侍郎泰亭伯武陳紹知貢舉工部右侍郎黎久僩監試四場合胳潘輝益等十八名閱月殿試賜吳世治等同進士出身命書石以垂不朽

Nay cơ đồ châu ngọc vững yên, sao Khuê soi văn vận.

Kính vâng: Hoàng thượng bệ hạ thể mệnh càn nguyên, đức hằng đã định. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] giữ mối giềng trị giáo, cầu tìm nhân tài. Tháng đầu đông năm Ất Mùi mở khoa thi Hội. Sai Phó tướng Đô đốc Thiêm sự Quế Quận công Trịnh Bồng làm Đề điệu, Hộ bộ Hữu Thị lang hành Lại bộ Tả Thị lang Thái Đình bá Vũ Trần Thiệu làm Tri Cống cử, Công bộ Hữu Thị lang Lê Doãn Giản làm Giám thí.

Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Phan Huy Ích 18 người. Sang tháng sau Điện thí, ban cho bọn Ngô Thế Trị đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc đá đề danh để lưu truyền bất hủ.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 18 người:

NGÔ THẾ TRỊ 吳世治 1 người xã Hội Phụ huyện Đông Ngàn, Tri huyện, Ứng chế hợp cách.

LÊ HỮU DUNG 黎有容2 người xã Liêu Xá huyện Đường Hào, Tự thừa.

NGUYỄN HUY VƯỢNG 阮輝旺3người xã Minh Cảo huyện Từ Liêm, Nho sinh trúng thức.

ĐỖ HUY CƯ 杜輝琚4 người xã Đồng Hương huyện Đông Sơn, Huấn đạo.

NGÔ THÌ NHẬM 吳時任5 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai, Thiêm tri, Hiến phó.

LƯU ĐỊNH 劉定6 người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, Sinh đồ.

PHAN HUY ÍCH 潘輝益7 người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc, Tả mạc, Ứng chế hợp cách.

NGUYỄN THẾ LỊCH 阮世歷8 người xã Yên Lũng huyện Từ Liêm, Nho sinh trúng thức.

PHẠM ĐÌNH DƯ 范廷璵9 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng, Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN QUỐC NGẠN 阮國彥10 người phường Bái Ân huyện Quảng Đức, Sinh đồ.

NGUYỄN NHA 阮衙11 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai, Nho sinh.

LÊ DUY ĐẢN 黎惟亶12 người xã Hương La huyện Yên Phong, Giám sinh, Ứng chế hợp cách.

NGÔ DUY TRỪNG 吳惟澂13 người xã La Khê huyện Từ Liêm, Giám sinh.

TRẦN THIỀU SƯỞNG 陳韶昶14 người xã Khoái Lạc huyện Yên Định, Tri huyện.

LÊ TRỌNG ĐIỂN 黎仲琠15 người xã Nhân Mục Môn huyện Thanh Trì, Tri huyện.

HOÀNG BÌNH CHÍNH 黃平政16 người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi, Tri huyện.

NGUYỄN THẾ BÌNH 阮世玶17 người xã Cát Ngạn huyện Thanh Chương, thi đỗ năm 18 tuổi.

NGUYỄN QUÝ HIỂN 阮貴顯18 người xã Thạch Thán huyện Yên Sơn, Giáo thụ.

Bia dựng ngày đầu tháng tiết trọng đông (tháng 11) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37 (1776) Hoàng Lê.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Hữu Tư giảng Nhập thị Tham tụng Lại bộ Thượng thư Tri Hàn lâm Tri Đông các Tri Trung thư giám Tri Quốc tử giám Thái phó quốc lão tham dự triều chính, trí sĩ, khởi phục, phụng thị ngũ lão, Viện Quận công Nguyễn Hoản19 vâng sắc soạn.

Chú thích:

1. Ngô Thế Trị (1733-?) người xã Hội Phụ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đông Hội huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).

2. Lê Hữu Dung (1745-?) người xã Liêu Xá huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là cháu nội của Lê Hữu Danh, con Lê Hữu Kiều và làm quan Hàn lâm Thị thư, tước Hào Khê bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).

3. Nguyễn Huy Vượng (1731-?) người xã Minh Cảo huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Thị thư, Thiêm Đô Ngự sử.

4. Đỗ Huy Cư (1746-1828) người xã Đồng Hương huyện Đông Sơn (nay thuộc huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau ông đổi tên là Đỗ Huy Tuân.

5. Ngô Thời Nhậm (1746-1803) hiệu là Đạt Hiênvà tự là Hy Doãn , người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Thời Lê, ông giữ các chức quan, như Hiến sát phó sứ Hải Dương, Giám sát Ngự sử xứ Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên, Đông các Hiệu thư, Hàn lâm viện Hiệu thảo, Hữu Thị lang Bộ Công. Nhà Lê mất, ông theo nhà Tây Sơn và được vua Quang Trung trọng dụng, bổ giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Lại, Thượng thư Bộ Binh, tước Tình Phái hầu, giao trọng trách soạn thảo các văn bản ngoại giao của triều đình với nhà Thanh và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Khi Nguyễn nh đưa quân ra Bắc chiếm thành Thăng Long, ông bị bắt và đưa ra đánh đòn ở Văn miếu- Quốc tử giám để cảnh cáo sĩ phu Bắc Hà đã đi theo nhà Tây Sơn.

6. Lưu Định (1746-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông là em của Lưu Tiệp, sự nghiệp hiện chưa rõ.

7. Phan Huy ch (1751-1822) hiệu là Đức Hiên và tự là Khiêm Thụ Phủ, Chi Hoà, người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Thời Lê, ông giữ các chức quan Hàn lâm viện Thừa chỉ, Tham chính xứ Sơn Nam. Thời Tây Sơn, ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hình, Thị trung Ngự sử, Thượng thư Bộ Lễ, tước hầu và được cử làm Chánh sứ đưa vua giả sang nhà Thanh (Trung Quốc). Thời Nguyễn, ông ở tại quê nhà dạy học. Ông vốn tên là Duệ , rồi đổi là Công Huệ , sau vì kiêng huý Đặng Thị Huệ nên đổi là Huy ch.

8. Nguyễn Thế Lịch (1750-1829) hiệu là Dưỡng Am Cư Sỹ , người xã Yên Lũng huyện Từ Liêm (nay thuộc xã An Khánh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Thời Lê, ông giữ các chức quan, như Hộ khoa Cấp sự trung, Vương phủ Thiêm sai Thị nội Thư tả, Hàn lâm Hiệu thảo, Tri binh phiên, Đông các Hiệu thư, Tham chính xứ Kinh Bắc, Đồng Tham tri chính sự. Thời Tây Sơn, ông giữ các chức quan, như Thị trung Hiệp biện Học sĩ, Thượng thư Bộ Lại. Khi quân của Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, ông theo triều đình Tây Sơn chạy sang Bắc Thành, sau bị bắt và được tha về quê. Rồi vua Gia Long cho gọi ông vào Phú Xuân, làm ở đại nội để dạy cho các hoàng tử, được ít lâu, ông cáo lão xin về quê. Sau ông đổi tên là Nguyễn Gia Phan và thụy là Trung Ý.

9. Phạm Đình Dư (1742-?) người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Lại, tước Quỳnh Phái hầu; thăng Đồng Bình chương sư, Thượng thư Bộ Lại, Tri Quốc tử giám. Có người phiên là Phạm Đình Dự.

10. Nguyễn Quốc Ngạn (1750-?) người phường Bái Ân huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Bưởi quận Tây Hồ Tp. Hà Nội). Ông làm quan Cấp sự trung.

11. Nguyễn Nha (1750-?) hiệu Tả Khê và tự là Nam Văn, người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Thừa chính sứ, Hữu Thị lang Bộ Công. Thời Tây Sơn ông có ra làm quan.

12. Lê Duy Đản (1743-1813) người xã Hương La huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Thời Lê, ông làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ, Tham chính Thanh Hoa. Thời Tây Sơn, ông ở ẩn. Đời Gia Long, ông ra làm quan Hiệp trấn Lạng Sơn, tham gia coi thi trường Sơn Nam, trường Kinh bắc, Sơn Tây, Hoài Đức, tước Hương Phái hầu.

13. Ngô Duy Trừng (1741-1800) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Văn Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông là anh của Ngô Duy Viên, làm quan Binh khoa Đô Cấp sự trung, Giám sát Ngự sử xứ Sơn Nam, thăng Hàn lâm viện Đãi chế. Thời Tây Sơn, ông ở quê nhà.

14. Trần Thiều Sưởng (1786-?) người xã Khoái Lạc huyện Yên Định (nay thuộc xã Xuân Tân huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thị thư, Hiến sát sứ.

15. Lê Trọng Điển (1735-?) người xã Nhân Mục Môn huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Nhân Chính quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hiệp trấn Lạng Sơn, tước Tô Xuyên hầu. Sau đổi là Lê Doãn Điều.

16. Hoàng Bình Chính (1736-1785) hiệu Liên Phong và tự là Xuân Như, là người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (nay thuộc huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Đốc đồng xứ Hưng Hoá, Hàn lâm viện Hiệu lý và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Hàn lâm viện Thị giảng, tước Kim Xuyên bá. Sau ông đổi tên là Hoàng Trọng Chính.

17. Nguyễn Thế Bình (1746-?) người xã Cát Ngạn huyện Thanh Chương (nay thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Đốc đồng Sơn Nam.

18. Nguyễn Quý Hiển (1740-?) người xã Thạch Thán huyện Yên Sơn (nay thuộc xã Thạch Thán huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tri Lễ phiên, Đốc đồng Kinh Bắc. Có tài liệu ghi, sau ông đổi là Nguyễn Đình Diệu.

19. Nguyễn Hoản: Xem chú thích 6, Bia số 69.

Bia số 79: Năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM THÌN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 33 (1772)

Kính nghĩ: Hoàng thượng ở ngôi đã 33 năm, thánh đạo đã định, văn vận khởi hưng. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương]1 khôi phục mở mang pháp độ, tuyển chọn hiền tài. Mùa đông năm Nhâm Thìn, chuẩn lời tâu của Bộ Lễ, sai Phó Đô tướng Quế Quận công Trịnh Bồng làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Hộ bộ Tả Thị lang Dĩnh Thành hầu Lê Quý Đôn làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang Liên Khê hầu Vũ Miên, Hộ bộ Hữu Thị lang Thái Đình bá Vũ Trần Thiệu làm Giám thí, lấy trúng cách 13 người. Qua tháng sau Điện thí, cho 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, 11 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Bèn sai từ thần soạn bài ký khắc vào bia đá dựng ở nhà Thái học.

Thần mừng gặp lễ lớn, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Thánh nhân tác thành nhân tài, mà hiền tài làm cho nền trí trị được bền vững lâu dài. Cho nên nuôi dưỡng người tài năng ở trường học, dùng khoa mục để tuyển chọn, là để cho họ làm rạng rỡ pháp độ của vua, làm mưu lược của vua được tốt đẹp, há chỉ cốt làm vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi đâu! Lớn có thể làm rường cột, nhỏ có thể làm rui mè. Người dũng sĩ, kẻ tâm phúc không ai không được tin dùng, như vậy mới không phụ ý nuôi dưỡng khích lệ nhân tài của nước nhà. Kinh Thi có câu: “Ái ái vương đa cát sĩ, duy quân tử sử” (Lớp lớp triều đình đông đảo hiền tài, do quân tử mà có được như vậy). Khoa này chọn người hiền, ngõ hầu cũng được như thế chăng?

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

HỒ SĨ ĐỐNG 胡士棟2 người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, Huấn đạo, đỗ năm 35 tuổi, Hội nguyên.

NHỮ CÔNG CHÂN 汝公瑱3 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An, Tự thừa, đỗ năm 22 tuổi, Thiếu tuấn, nhiều đời đăng khoa.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 11 người:

TRẦN CÔNG XÁN 陳功燦4 người xã An Vĩ huyện Đông Yên, Thiêm tri Hộ phiên, Tự khanh, thi đỗ năm 42 tuổi.

NGUYỄN DUY HIỆP 阮維洽 5 người xã Đông Địa Linh huyện Phụ Dực, Giám sinh, thi đỗ năm 28 tuổi.

NGUYỄN QUÝNH 阮囧  6 người xã Lai Thạch huyện La Sơn, Tri huyện, Giải nguyên, thi đỗ năm 29 tuổi.

LÊ NGUYỄN THƯỜNG 黎阮常 7 người thôn Bình Vọng huyện Thượng Phúc. Trú quán xã Phúc Khê huyện Ngự Thiên, Nho sinh trúng thức, thi đỗ năm 30 tuổi, sau đổi tên là Lê Nguyễn Triệu.

ĐÀO VŨ HƯƠNG 陶武香8 người xã Đan Luân huyện Đường An, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 30 tuổi, Văn chức.

VŨ DUY DIỆM 武惟琰9 người xã Hoa Đường huyện Đường An, Giám sinh, Giải nguyên, thi đỗ năm 26 tuổi.

VŨ HUY TRÁC 武輝倬10 người xã Lộng Điền huyện Đại An, Tự thừa, thi đỗ năm 43 tuổi, Trưởng khoa, Ứng chế hợp cách.

DƯƠNG NGUYỄN HUỐNG 楊阮貺11 người xã ỶLa huyện Từ Liêm, Sinh đồ, thi đỗ năm 25 tuổi.

TRẦN HUY VĨ 陳輝瑋12 người xã Thọ Lão huyện Yên Lạc, Giám bạ, thi đỗ năm 34 tuổi.

NGUYỄN HUY BIỂU 阮輝表13 người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương, Nho sinh, thi đỗ năm 29 tuổi.

LƯU TIỆP 劉睫14 người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, Giám sinh, thi đỗ năm 32 tuổi.

Bia dựng ngày 24 tháng 12 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) Hoàng Lê.

Thiếu tuấn, đồng Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757), Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Đông các Đại học sĩ Nhập thị Thiêm sai Tri Thị nội thư tả Hộ phiên Thự thiêm Đô Ngự sử kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp Tứ Xuyên bá Phan Trọng Phiên15 vâng sắc soạn.

Hội nguyên, đồng Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị nội Bồi tụng Binh bộ Thượng thư cải thụ Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Quyền Phủ sự đồng dự chính vụ, trí sĩ, Trung Phái hầu Nhữ Công Toản vâng sắc nhuận.

Chú thích:

1. Tước phong của Trịnh Sâm.

2. Hồ Sĩ Đống (1739-1785) hiệu là Trúc HiênDao Đìnhtự là Long Thủ và Thông Phủngười xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An). Ông từng giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hộ, Quyền Phủ sự, Đồng Tham tụng, tước Kinh Dương hầu và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Binh và ban tước Quận công. Ông còn có tên là Hồ Sĩ Đồng

3. Nhữ Công Chân (1751-?) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cháu nội Nhữ Tiến Hiền, con của Nhữ Đình Toản và làm quan Hàn lâm Thị chế, Tri Công phiên, Thự Lễ bộ Hữu Thị lang. Dòng họ ông nhiều đời đăng khoa.

4. Trần Công Xán (1731-?) người xã Yên Vĩ huyện Đông Yên (nay là xã An Vĩ huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Phái Trạch hầu. Sau ông đổi tên là Trần Công Thước.

5. Nguyễn Duy Hiệp (1744-?) người xã Đông Địa Linh huyện Phụ Dực (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Thời Tây Sơn, ông lánh cư ở ẩn. Đến đời Nguyễn Gia Long (1802-1819) ra nhậm chức Học sĩ, rồi bổ chức Hiệp trấn Kinh Bắc, Đốc học Quảng Nam, sau cáo quan về nhà. Ông nguyên tên là Nguyễn Bá Thông. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Duy Hợp.

6. Nguyễn Quýnh (1734-?) người xã Lai Thạch huyện La Sơn (nay thuộc xã Song Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là em của Nguyễn Huy Oánh và làm quan Hàn lâm Thị chế, Đốc thị Thuận Quảng. Sau ông đổi tên là Nguyễn Trực. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Huy Quýnh hoặc Nguyễn Duy Quýnh.

7. Lê Nguyễn Thường (1743-?) người thôn Bình Vọng huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây), trú quán xã Phú Khê huyện Ngự Thiên (nay là xã Hiệp Hòa huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm Thị thư, Thị Tham chính Kinh Bắc. Sau ông đổi tên là Lê Nguyễn Triệu.

8. Đào Vũ Hương (1743-?) người xã Đan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo, Đốc đồng xứ Sơn Nam.

9. Vũ Duy Diệm (1737-?) người xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Thự Hiến sát sứ.

10. Vũ Huy Trác (1730-?) người xã Lộng Điền huyện Đại An (nay thuộc xã Nghĩa Đồng huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị giảng, Tả Thị lang Bộ Lễ kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp.

11. Dương Nguyễn Huống (1748-?) người xã Ỷ La huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Dương Nội huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.

12. Trần Huy Vĩ (1739-?) người xã Thọ Lão huyện Yên Lạc (nay thuộc xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông Làm quan Đô Cấp sự trung. Có tài liệu ghi ông là Trần Huy Thường.

13. Nguyễn Huy Biểu (1744-?) người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương (nay thuộc xã Tú Sơn huyện Kiến Thụy Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Quang Biểu hoặc Nguyễn Trọng Biểu.

14. Lưu Tiệp (1742-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc, Đốc trấn Cao Bằng.

15. Phan Trọng Phiên: Xem chú thích 6, Bia số 74.

Bia số 78: Năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ SỬU NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 30 (1769)

Năm Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng, Hoàng thượng lên ngôi năm thứ 30, đức lớn vĩnh hằng đã định, thánh đạo sáng ngời. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương]1 mọi lúc mọi nơi nêu cao thánh đức, theo lệ xưa mở khoa thi Hội. Sai Phó Đô tướng Tả hoà quân doanh Thự phủ sự Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Nhập thị Kinh diên Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Bái Xuyên hầu Trần Huy Bật làm Tri Cống cử, Thự Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Hàn lâm viện Thị độc Trần Tiến làm Giám thí. Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Ngô Duy Viên 9 người. Qua tháng sau Điện thí, lấy bọn Bùi Huy Bích đỗ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc đá đề danh để lưu truyền mãi mãi.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

BÙI HUY BÍCH 裴輝璧2 người xã Định Công huyện Thanh Trì, trú quán xã Thịnh Liệt, Nho sinh trúng thức.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

PHẠM CÔNG CHÍ 范公志3 người xã Khương Đình huyện Thanh Trì. Thị nội văn chức.

NGUYỄN ĐÌNH GIẢN 阮廷簡4 người xã Vĩnh Trị huyện Hoằng Hóa, Giám sinh.

LÝ TRẦN THẢN 李陳坦5 người xã Lê Xá, huyện Duy Tiên, Nhật giảng, Thiêm tri Hộ phiên Chiếu khám.

LÝ TRẦN DỰ 李陳預6 người xã Vân Canh huyện Từ Liêm, Nho sinh trúng thức, nguyên họ Đặng.

NGUYỄN HUY TRẠC 阮輝濯7 người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang, Giám sinh.

NGUYỄN ĐÌNH TỐ 阮廷傃8 người xã Bình Dân huyện Đông Yên, Huấn đạo.

NGÔ DUY VIÊN 吳維垣9 người xã La Khê huyện Từ Liêm, Giám sinh.

NGUYỄN TRỌNG ĐƯƠNG 阮仲鐺10 người xã Trung Cần huyện Thanh Chương, Thiêm tri Hình phiên, Tri phủ.

Bia dựng tháng 10 tiết giữa đông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769) Hoàng Lê.

Tiến sĩ cập đệ khoa Nhâm Thân, Hàn lâm viện Thừa chỉ Quốc tử giám Tư nghiệp Dĩnh Thành bá Lê Quý Đôn11 vâng sắc soạn.

Tiến sĩ khoa Tân Hợi, Nhập thị Bồi tụng Công bộ Thượng thư Tri Quốc tử giám Trung thư giám Thái tử Thái phó Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm vâng sắc nhuận.

Chú thích:

1. Tước phong của Trịnh Sâm.

2. Bùi Huy Bích (1744-1802) hiệu là Tồn Ông, Tồn Amvà tự là Hy Chương, Ảm Chương, người xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Định Công quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Đốc đồng Nghệ An, Hành tham tụng, Tả Thị lang Bộ Hộ, sau thăng đến Đồng bình chương sự kiêm Tham tụng, tước Kế Liệt hầu. Ông còn có tên là Bùi Bích.

3. Phạm Công Chí (1734-?) người xã Khương Đình huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu lý, Đốc đồng Hưng Hoá.

4. Nguyễn Đình Giản (1734-?) người xã Vĩnh Trị huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan và được ban tước Triệu Phong bá.

5. Lý Trần Thản (1721-?) người xã Lê Xá huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Châu Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Thị độc, Hữu Tư giảng, Trấn thủ Hưng Hoá. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Hình, tước hầu.

6. Lý Trần Dự (1764-?) người xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông là em của Lý Trần Quán và làm quan Đô Cấp sự trung, Đốc đồng Lạng Sơn. Ông nguyên họ Đặng.

7. Nguyễn Huy Trạc (1733-1788) người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông giữ chức quan Tham tri chính sự, sau không theo nhà Tây Sơn và ông uống thuốc độc tự tử.

8. Nguyễn Đình Tố (1738-?) người xã Bình Dân huyện Đông Yên (nay thuộc xã Tân Dân huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Nguyễn Đình Bá và giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thị độc, Khu mật viện, tước Ngọ Khê tử. Có tài liệu ghi sau ông đổi tên là Nguyễn Lạc Thiện.

9. Ngô Duy Viên (1744-?) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay là xã La Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Đô Cấp sự trung, Nhập bồi tụng, Hàn lâm Thị giảng, Bồi tụng, Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Cảo Phong bá. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Ngô Trọng Khuê.

10. Nguyễn Trọng Đương (1724-1786) người xã Trung Cần huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Thanh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Hiệu lý, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau ông được điều vào trấn Thuận Quảng, khi quân Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân, ông tử trận. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang, tước hầu.

11. Lê Quý Đôn: Xem chú thích 3, Bia số 72.

Bia số 77: Năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH TUẤT NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 27 (1766)

Mừng nay hoàng đồ bền vững nam phương, quẻ Thái mở ra văn vận.

Kính nghĩ: Hoàng thượng nắm tượng quẻ Càn, thân lĩnh mệnh Tốn. [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] thánh thần phò tá, văn võ kinh luân. Chuyên uỷ cho [Khâm sai Tiết chế các xứ thuỷ bộ chư quân kiêm Chưởng chính cơ Thái uý Tĩnh quốc công]1 đứng đầu trăm quan, tạo tác muôn việc. Năm Bính Tuất, mùa hạ tháng tư, thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đặc sai Thái uý Phương Nghĩa hầu Trịnh Phương làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Hình bộ Thượng thư Bái Xuyên hầu Trần Huy Bật làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Du Nhạc hầu Trần Lâm, Trí sĩ khởi phục Hộ bộ Hữu Thị lang Diễn Phái bá Lê Trọng Thứ làm Giám thí.

Tháng năm, qua trường bốn lấy trúng cách bọn Ngô Thì Sĩ 11 người. Qua tháng sau vào Điện thí, ban cho bọn Ngô Thì Sĩ đỗ Tiến sĩ, đồng Tiến sĩ có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc tên trên đá để lưu truyền bất hủ.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

NGÔ THÌ SĨ 吳時仕2 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai, Đốc đồng, Cấp sự trung.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 10 người:

LÝ TRẦN QUÁN 李陳貫3 người xã Vân Canh huyện Từ Liêm, Huấn đạo, nguyên họ Đặng.

ĐẶNG DỤNG CHU 鄧用周4 người xã Động Phí huyện Sơn Minh, Giám sinh.

NGUYỄN DUY TRUNG 阮惟忠5 người xã La Khê huyện Từ Liêm, Thiêm tri Tự thừa, nguyên tên là Duy Nghi 惟宜.

UÔNG SĨ ĐIỂN 汪仕琠6 người xã Vũ Nghị huyện Thanh Lan, Thiêm tri, Huấn đạo, nguyên họ Giang, sau đổi tên là Lãng.

TRƯƠNG ĐĂNG QUỸ 張登揆7 người xã Thanh Nê huyện Chân Định, Giáo thụ.

NGUYỄN QUÝNH 阮囧8 người xã Phật Tích huyện Tiên Du.

NGUYỄN BÁ DƯƠNG 阮伯暘9 người xã Nguyễn Xá huyện Thần Khê, đỗ năm 18 tuổi, Thiếu tuấn10.

NGÔ PHÚC LÂM 吳福臨11 người xã Trảo Nha huyện Thạch Hà, Huấn đạo.

NGUYỄN TRỌNG HOÀNH 阮仲鈜12 người xã Viên Ngoại huyện Chương Đức, Giám sinh.

PHẠM ĐỒNG VIỆN 范同院13 người xã La Đôi huyện Thanh Lâm, Huấn đạo, Khoa trưởng14.

Triều Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766).

Chính Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) khoa Tân Hợi, Nhập thị Tham chính Công bộ Thượng thư Thái tử Thái bảo Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm vâng sắc soạn.

Chú thích:

1. Tước phong của Trịnh Sâm (năm 1758).

2. Ngô Thì Sĩ (1725-1780) hiệu là Ngọ Phong Tiên sinh, đạo hiệu là Nhị Thanh Cư Sĩ và tự là Thế Lộc , người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội). Ông là cha của Ngô Thời Nhậm và giữ các chức quan, như Công khoa Cấp sự trung, Đốc đồng Thái Nguyên, Hiến sát sứ Thanh Hoa, Tham chính Nghệ An, Hàn lâm viện Hiệu lý, Thiêm đô Ngự sử, Đốc trấn Lạng Sơn. Sinh thời, ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học có tài và để lại nhiều công trình có giá trị.

3. Lý Trần Quán (1735-1786) người xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Thiêm sai Lại phiên, Hiến sát sứ Hải Dương, Đốc đồng Cao Bằng, Hiệp trấn Sơn Tây, Đông các Đại học sĩ, Quốc tử giám Tư nghiệp. Sau vì việc Trịnh Khải bị nghĩa quân Tây Sơn bắt, ông kêu khóc thảm thiết rồi đào huyệt tự chôn sống mình. Đời vua Chiêu Thống, ông được tuyên dương Tiết nghĩa công thần, tặng hàm Thượng thư, tước Quận công và phong phúc thần.

4. Đặng Dụng Chu (1737-?) người xã Động Phí huyện Sơn Minh (nay thuộc xã Phương Tú huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Tham chính Thái Nguyên.

5. Nguyễn Duy Trung (1731-1793) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay là xã La Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Thị độc, Thiêm sai Tri lễ phiên, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Đông các Đại học sĩ. Ông nguyên tên là Nguyễn Duy Nghi.

6. Uông Sĩ Điển (1737-?) người xã Vũ Nghị huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Hưng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông là con của Uông Sĩ Đoan và giữ các chức quan, như Nhập thị Bồi tụng, Hữu Thị lang Bộ Lễ, Ngự sử đài Thiêm đô Ngự sử, Đốc thị đạo Thuận Quảng, Hữu Thị lang Bộ Hình, tước Thao Đường bá. Ông nguyên họ Giang, sau kiêng huý chúa Trịnh Giang (1729-1740) đổi làm họ Uông. Sau ông đổi tên là Uông Sĩ Lãng.

7. Trương Đăng Quỹ (1733-?) người xã Thanh Nê huyện Chân Định (nay thuộc huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Bồi tụng, Đồng bình chương sự. Ông là một trong những cận thần theo Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh (Trung Quốc), cuộc đời về sau không rõ.

8. Nguyễn Quýnh (1734-?) người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị thư, Đốc đồng Tuyên Quang.

9. Nguyễn Bá Dương (1740- ) người xã Nguyễn Xá huyện Thần Khê (nay thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế.

10. Người trẻ tuổi thi đỗ (20 tuổi trở xuống).

11. Ngô Phúc Lâm (1722-1784) hiệu là Thuận Hiên và tự Hồng Tích , người xã Trảo Nha huyện Thạch Hà (nay thuộc thị trấn Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Ngô Phúc Bình và giữ Hiến sát sứ Thanh Hoa, Tri Thị nội thư Tả binh phiên, Tham chính xứ Sơn Nam, Đốc thị quân doanh Thuận Hoá. Sau khi mất, ông được tặng Gia Hạnh đại phu Hữu Thị lang Bộ Công.

12. Nguyễn Trọng Hoành (1737-?) người xã Viên Ngoại huyện Chương Đức (nay thuộc xã Viên An huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thị giảng, Tri Công phiên, Đông các Đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Duy Hoành.

13. Phạm Đồng Viện (1717-?) người xã La Đôi huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Hợp Tiến huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thị giảng. Sau ông đổi tên là Phạm Đình Toại.

14. Người nhiều tuổi nhất trong số người đỗ cùng khoa.

Bia số 76: Năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ MÙI NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 24 (1763)

Từ xưa những bề tôi có công lao to lớn thường được chạm tên lên chuông đồng, khắc vào bia đá để tỏ ý ca ngợi khuyến khích. Nay các vị tân khoa vừa mới bước chân vào đường sĩ hoạn, chưa có gì đáng chép, cũng được ghi tên họ dựng trước nhà Thái học, đó là để biểu dương khích lệ. Quy tắc điển chế lớn lao, thật cao cả lắm.

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ kế thừa nghiệp trước, rạng tỏ đức lành. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] lấy đạo trung hòa dựng nền chính trị, lấy óc sáng suốt mở rộng công xưa, giao trọn quyền cho [Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư quân kiêm Chưởng chính cơ Thái uý Tĩnh quốc công] sử dụng hiền tài, mở mang trăm việc. Từ khi Hoàng thượng lên ngôi tới nay, đã 7 lần mở khoa thi. Mùa xuân năm Quí Mùi, theo lệ cũ, thi Hội cho các Cử nhân trong nước. Đặc sai Phó tướng Trung kinh quân doanh Đô đốc Thiêm sự Thự phủ sự Khanh Quận công Trịnh Kiều làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Hình bộ Thượng thư hành Ngự sử đài Đô Ngự sử Bái Xuyên hầu Trần Huy Bật làm Tri Cống cử, Nhập thị Tả chính ngôn Hộ bộ Hữu Thị lang trí sĩ khởi phục Diên Phương bá Lê Trọng Thứ làm Giám thí, cùng các quan chấp sự chia giữ các việc.

Tháng 4, danh sách những người trúng cách là bọn Nguyễn Duy Thức 5 người được dâng lên. Tháng 9 vào Điện thí.

Thiếu bảo Binh bộ Thượng thư Quốc tử giám Tế tửu trí sĩ khởi phục phụng thị ngũ lão Huy Quận công Hà Tông Huân, Nhập thị Thiêm sai Phủ liêu Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Bí thư các Học sĩ Dĩnh Thành bá Lê Quý Đôn, Kinh Bắc xứ Hiến sát sứ Trần Văn Trứ dâng quyển lên đọc. Hoàng thượng ban cho bọn Vũ Cơ đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Tháng 7, ban cấp áo mũ triều phục, cho vinh quy về làng. Lại chiếu lệ cũ dựng bia đề danh, sai bề tôi là Đôn soạn bài ký.

Thần kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Đặt chế độ trị nước trị tất phải nhờ ở nhân tài trong nước. Nhân tài sinh ra thì mênh mông không cùng, nhưng phải dạy dỗ rồi sau mới thành, lại phải đem dùng rồi mới thấy rõ. Kìa như giống quýt đất Giang Phố, giống bưởi miền Vân Mộng và những lê táo ở vùng Thường Sơn, Đông Quận đều như chọn đất mà sinh ra. Nhưng nhân tài thì không thế. Từ nơi đô thành trấn lớn cho tới xóm huyện xa, từ con em các nhà công khanh đến những người tài tuấn nơi thôn dã nghèo nàn, ai ai cũng đều có tư chất thông minh, ham học hỏi; việc giáo dục tuyển dụng do đó lại rất quan hệ ở bề trên.

Nước nhà được vận trung hưng, sùng Nho trọng đạo, dùng thi thư lễ nghĩa phổ biến khắp nơi trong nước, ba năm mở một khoa, mùa thu thi Hương mùa xuân thi Hội, phép thi chọn rất kỹ càng, lễ đãi ngộ rất trọng hậu. Khuyến khích đào tạo rộng rãi, tuyển dụng đề bạt công bằng, sự thật còn chép trong sử sách. Các Nho sinh học sĩ nối nhau xuất hiện đông đảo. Lúc đầu thì tu rèn để tự lập, về sau thì rộng lớn sáng suốt. Các bậc tướng văn tướng võ, những người cầm quyền cai trị đều từ những người ấy mà chọn ra; kính giúp kinh bang tế thế cũng cần đến những người ấy. Nền thái bình hơn một trăm năm, nhờ có hiền tài giúp trị, công lao tưởng cũng không nhỏ vậy.

Liên tiếp các đời thịnh trị cho tới ngày nay. Thánh thượng kiêm cả đạo làm vua làm thầy, càng mở mang lớn lao rạng rỡ. Về mẫu mực tất phải chọn những bài tinh thuần đúng đắn, về văn chương thì lấy những bài trang nhã hàm súc. Quan Nội các ra đề, Hoàng thượng đích thân chọn định, Thượng thư sảnh1 dâng quyển, Hoàng thượng đích thân bình duyệt, cầu tìm nhân tài ân cần hết mức như thế! Cống sĩ mới cởi bỏ áo vải chưa được bao năm, người thì được đề bạt vào nơi khu yếu, người được bổ đi nắm giữ các trấn ty, giao giữ các chức Hiến sát, Bố chánh. Sự dùng người như thế, công lao khai mở đẽo gọt mài dũa há chẳng lớn lao ư? Kinh Thi có câu: “Chiêm bỉ Hãn lộc, Trăn hộ tể tể, Khải đễ quân tử, Can lộc khải đễ”2.

Dịch là:

Nhân tài chính là cây trăn, cây hộ của nước nhà vậy. Đạo lý cử dùng hiền tài, chẳng gì quý bằng sự hòa dị: người trên hòa dị để đối đãi với kẻ dưới, kẻ dưới hòa dị để ứng hợp với người trên. Thế vươn dậy đã dấy, cơ cổ võ đang hăng, nhân tài tất sẽ nẩy nở tươi tốt. Cho nên Văn Vương có đức hòa dị mà nhà Chu được nhiều bậc anh tài nổi danh, triều đình rộng mở đường thu dùng anh kiệt, người già tác thành cho hậu nhân. Lâu ngày giáo hoá thành tựu, công dụng của bậc đại thánh thực chẳng có thể đo đếm hình dung hết được!

Từ nay về sau, nhờ được chăm nom nâng đỡ, kẻ sĩ ngâm phú “Cá nhảy” mà về kinh chiêm bái, hát thơ Lộc minh mà xếp hàng dự thi tất sẽ nườm nượp chật đường, đủ sung dùng cho cả trăm nghìn năm đến vô cùng, đủ phò tá cho nền trị bình lớn lao lâu dài muôn vạn năm, thì tên tuổi của họ bia đá không sao chép hết được. Còn như vì cảm ơn đãi ngộ trọng hậu, nghĩ trọng danh nghĩa mà cẩn trọng sửa mình, trau dồi đạo đức, giữ vững phẩm tiết để khỏi nhơ danh khoa bảng, không phụ ơn giáo dục, thì đó vẫn là phận sự của kẻ sĩ quân tử xưa nay, thần không dám rườm lời.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị Thiêm sai Phủ liêu Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Bí thư các Học sĩ kiêm Quốc sử viện sự Dĩnh Thành bá Lê Quý Đôn3 vâng sắc soạn.

Triều liệt đại phu Nhập thị Thiêm sai Hữu tư giảng Đông các Đại học sĩ hành Phụng Thiên phủ doãn Nguyễn Hoản vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày mồng 2 tháng 12 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763).

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:

VŨ CƠ 武基4 người xã Ngọc Lặc huyện Tứ Kỳ, Viên ngoại lang.

NGUYỄN DUY THỨC 阮惟式5 người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong, Tri huyện.

HOA QUÝ KHÂM 華貴欽6 người xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Huấn đạo.

PHẠM DƯƠNG ƯNG 范揚鷹7 người phường Cổ Vũ huyện Thọ Xương, nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An, Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN LỆNH TÂN 阮令賓8 người xã Phù Lê huyện Thụy Nguyên, Huấn đạo.

Ngự sử đài Đô lại thủ bạ Đồng Tri châu người xã An Lạc huyện Thanh Lâm là Trần Đình Khoa vâng mệnh viết chữ chân.

Lê Văn Lộc thợ đá người thôn Nhuệ xã An Hoạch huyện Đông Sơn vâng mệnh khắc chữ.

Chú thích:

1. Nguyên văn: “Nam sảnh” chỉ Thượng thư sảnh (quy chế cổ dựng Thượng thư sảnh ở phía nam hoàng cung).

2. Thi Kinh (Đại nhã, Hãn lộc).

3. Lê Quý Đôn: Xem chú thích 3, Bia số 72.

4. Vũ Cơ (1736-?) người xã Ngọc Lặc huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Ngọc Sơn huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông là con của Vũ Khâm Lân và làm quan Hàn lâm Hiệu lý, Trấn thủ Lạng Sơn.

5. Nguyễn Duy Thức (1734-?) người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Hiệu thảo, Hàn lâm Thị chế, Hưng Hoá Trấn thủ.

6. Hoa Quý Khâm (1727-?) người xã Cổ Nhuế huyện Từ Liêm (nay là xã Cổ Nhuế huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông là con của Hoa Thế Phương và làm quan Cấp sự trung, Hiến sát sứ Nghệ An. Có tài liệu ghi sau con cháu đổi thành họ Văn.

7. Phạm Dương Ưng (1737-?) người phường Phục Cổ huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đông các Học sĩ, Phó Đốc thị đạo Thuận Quảng.

8. Nguyễn Lệnh Tân (1726-?) người xã Phù Lê huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Thịnh huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ.

Bia số 75: Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÌN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 21 (1760)

Mừng nay hoàng đồ bền vững, văn vận hanh thông.

Kính vâng Hoàng thượng bệ hạ, thể trời mệnh lớn yên vững. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] noi đức nhà Ngu xây đắp móng nền, theo lễ nhà Chu sửa sang pháp độ. Chuyên uỷ cho [Khâm sai Tiết chế các xứ thuỷ bộ chư quân kiêm Chưởng chính cơ, Thái uý Tĩnh quốc công]1tổng quản quyền chính, lo việc cầu tìm hiền tài. Mùa xuân tháng 2 năm Canh Thìn chuẩn lời tâu của Bộ Lễ, thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Sai Phó Đô tướng hậu trung quân doanh Thự phủ sự Đô đốc phủ Đô đốc thiêm sự Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư hành Lại bộ sự kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nhập thị Kinh diên Nghĩa Phương hầu Nguyễn Vĩ làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Du Nhạc hầu Trần Danh Lâm, Sơn Nam xứ tán trị Thừa chính sứ ty Thừa chính sứ Viên Lĩnh hầu Đào Xuân Lan làm Giám thí.

Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Nguyễn Huy Cẩn 5 người. Qua tháng sau Điện thí, cho bọn Ngô Trần Thực đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc tên vào đá để lưu truyền mãi mãi.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:

NGÔ TRẦN THỰC 吳陳植2 người xã Bách Tính huyện Nam Chân, trú quán xã Phật Tích huyện Tiên Du, Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ.

NGUYỄN KHẢN 阮侃3 người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, Viên ngoại lang Bộ Lại.

TẠ ĐĂNG ĐẠO 謝登燾4 người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng, Kiêm tri Tri phủ.

ĐÀO DUY DOÃN 陶惟允5 người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc, Huấn đạo.

NGUYỄN HUY CẨN 阮輝瑾6 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ.

Bia dựng tháng 2 mùa xuân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760) Hoàng Lê.

Chánh Tiến sĩ khoa Tân Hợi Nhập thị Tham tụng Thiếu bảo, Thượng thư Bộ Công kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nhập thị Kinh diên Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm7vâng sắc soạn.

Chú thích:

1. Tước phong của Trịnh Sâm năm 1758.

2. Ngô Trần Thực (1722-?) người xã Bách Tính huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định), trú quán xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Thự Tri phủ, sau làm quan Đông các Đại học sĩ, Thự Thiên đô ngự sử.

3. Nguyễn Khản (1734-?) người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Nguyễn Nghiễm, anh Nguyễn Du và giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Học sĩ, Đại học sĩ, Tả tư giảng, Hữu Thị lang Bộ Lại, Nhập thị Bồi tụng, tước Kiều Nhạc hầu; thăng Đại tư đồ, Bồi tụng, Đô đốc, tước Hồng Lĩnh hầu; lại thăng Tham tụng kiêm Trấn thủ trấn Sơn Tây và Hưng Hoá, Thượng thư Bộ Lại, tước Toản Quận công kiêm Trấn thủ Sơn Tây; sau lại thăng Tham tụng. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái tử, Thái bảo, tên thụy là Hoàn Mẫn. Sau khi đỗ, ông được vua ban tên là Lệ và có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Lệ.

4. Tạ Đăng Đạo (1731-?) người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông là cháu nội Tạ Đăng Vọng, con của Tạ Đăng Huân và làm quan Lễ khoa Cấp sự trung.

5. Đào Duy Doãn (1726-?) người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Chương Dương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.

6. Nguyễn Huy Cẩn (1729-1790) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là cháu Nguyễn Huy Nhuận, con của Nguyễn Huy Dận. Trước khi đi thi ông từng làm Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ. Sau khi thi đỗ, ông cáo từ không ra làm quan. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Huy Cận.

7. Nguyễn Nghiễm: Xem chú thích 5, Bia số 65.

Bia số 74: Năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH SỬU NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG THỨ NĂM 18 (1757)

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18, Hoàng thượng trẻ tuổi khiêm nhường hành đạo, muốn đồng đều cất nhắc để cầu tìm người hiền. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] gắng hết lòng trung, cử hành thịnh điển. Mùa xuân năm đó, mở khoa thi Hội, đặc sai Đô đốc Đồng tri tại Trung kinh quân doanh Thự Phủ sự Phó Đô tướng Khanh Quận công Trịnh Kiều làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Tả Thị lang Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh làm Tri Cống cử, Hàn lâm viện Thừa chỉ Thái Đình bá Vũ Trần Thiệu, Thiêm sai Thị nội Thư tả Hình phiên Đông các Đại học sĩ Tuân Lĩnh bá Bùi Trọng Huyến làm Giám thí, lấy bọn Phạm Nguyễn Đạt vào hạng trúng cách. Sang tháng sau vào Điện thí, ban cho Bùi Đình Dự đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Huy Cơ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi gọi loa xướng tên, cấp khoa tự, ban quan phục, cho dự yến Quỳnh, ban hoa bạc, ưu thưởng trọng hậu, ơn huệ chất chồng. Sau ngày áo gấm vinh quy, lại về triều nhậm chức. Đến nay lại cho khắc tên vào bia đá dựng ngoài cửa nhà Thái học, sai thần soạn bài ký.

Thần trộm nghĩ khoa thi Tiến sĩ là thịnh điển của triều đình, các danh thần văn võ đều xuất thân từ con đường đó. Cho nên thánh triều rất tôn trọng, chẳng những nêu tên họ trên bảng vàng, lại còn được khắc vào bia đá, khiến cùng đỉnh chung cờ biển tồn tại mãi muôn đời, chính là để tỏ ý tôn sùng phép cũ vậy. Những kẻ sĩ được khắc tên vào bia đá, ai chẳng lo toan gây dựng cơ nghiệp vương triều trở nên tốt đẹp như ngọc vàng, để làm nền tảng cho triều đình, làm cột rường cho xã tắc, công danh sự nghiệp sẽ còn mãi với bia đá này. Thế thì việc dựng bia đá này không chỉ để trông vào cho đẹp mắt một thời, mà còn để lại tiếng thơm muôn thủa.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập nội thị Bồi tụng Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử hành Binh bộ Tả Thị lang Tri Hàn lâm viện sự Bá Trạch hầu Nhữ Đình Toản1 vâng sắc soạn.

Bia dựng ngày 19 tháng chạp niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1757) Hoàng Lê.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

BÙI ĐÌNH DỰ 裴廷譽2 người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:

PHẠM HUY CƠ 范暉基3 người xã Đông Bình huyện Gia Định, Tri huyện.

PHẠM NGUYỄN ĐẠT 范阮達4 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng, nguyên tên là Phạm Tiến范璡, Giám sinh.

PHAN KHIÊM THỤ 潘兼受5 người xã Yên Việt Hạ huyện La Sơn, Giám sinh, Văn chức.

PHAN LÊ PHIÊN 潘黎藩6 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm, trú quán xã Phú Mỹ, Giám sinh, Thị nội Văn chức.

ĐÀO HUY ĐIỂN 陶輝典7 người xã Đào Xá huyện Đường An, cư trú phường Hòe Nhai huyện Quảng Đức, Tri huyện, Thị nội Văn chức.

Môn thị Nội cai Hợp binh phiên Điển thư Nguyễn Hữu Hàm, người xã Nhân Mục Môn huyện Thanh Trì vâng viết chữ (chân).

Chú thích:

1. Nhữ Đình Toản: Xem chú thích 10, Bài 67.

2. Bùi Đình Dự (1726-?) người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương (nay thuộc xã Tú Sơn huyện Kiến Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm Thị độc. Sau ông đổi tên là Bùi Đình Đảng.

3. Phạm Huy Cơ (1717-1767) người xã Đông Bình huyện Gia Định (nay thuộc xã Đông Lai huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Tri huyện, sau làm quan Hiệu thảo, Thự Sơn Nam Hiến sát sứ, nhưng vì phạm pháp nên bị tội. Có tài liệu ghi là Nguyễn Huy Cơ.

4. Phạm Nguyễn Đạt (1729-?) người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Tham chính Hải Dương, Đông các Đại học sĩ Thừa chính sứ, Hữu Thị lang Bộ Binh và ông được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Ông nguyên tên là Phạm Tiến. Có tài liệu ghi ông là Phạm Đình Đạt.

5. Phan Khiêm Thụ (1722-?) người xã Yên Việt Hạ huyện La Sơn (nay thuộc xã Đức Châu huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Cấp sự trung.

6. Phan Lê Phiên (1735-1809) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hộ, Tham tụng, Bình chương sự, Tham tụng, Hữu Thị lang Bộ Hộ, Thự Hữu Thị lang Bộ Lại kiêm Tri Quốc tử giám Tư nghiệp, tước Tứ Xuyên hầu. Sau ông đổi tên là Phan Trọng Phiên.

7. Đào Huy Điển (1724-?) người xã Đào Xá huyện Đường An (nay thuộc xã Bãi Sậy huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan, như Thừa chính sứ, Lễ khoa Đô Cấp sự trung.

« Older entries